Có ai đó từng hỏi tôi: “Sợ gì nhất”. Lúc ấy, trẻ người non dạ, chưa va chạm sự đời, tôi dõng dạc tuyên bố: “Chẳng sợ gì”. Nhưng giờ đây, đôi lúc tôi cảm thấy sợ cả việc phải bước chân ra đường, sợ phải trải qua cảm giác bất an khi ngồi ở nhà còn người thân của mình đang vật lộn trong đám khói xe cùng dòng người hỗn độn ngoài kia.
Chẳng biết từ bao giờ, sau một ngày dài đi làm, thấy chồng về nhà đúng giờ hẹn là một niềm hạnh phúc. Còn không chỉ cần 10 phút, 20 phút sau giờ hẹn vẫn chưa thấy chồng đâu là bồn chồn, lo lắng và chí tưởng tượng được phen “sống dậy”: nhỡ có chuyện gì trên đường đi về thì sao…
Và tâm chỉ an khi trước giờ đi ngủ, vợ thấy chồng, con đã có mặt, mẹ thấy các thành viên trong gia đình đã đầy đủ, chẳng thiếu một ai.
Vậy mà, mới đây, có một chuyến xe - chuyến xe chở chàng trai 19 tuổi đã không bao giờ về tới nhà. Còn anh tài xế xe ôm công nghệ chắc cũng chẳng dám ấn vào nút hoàn thành chuyến đi vì chàng trai ngồi đằng sau anh vĩnh viễn không về được nơi muốn về. Lúc này, đổ lỗi trách ai cũng đâu được cứu vãn được gì khi người đã ra đi.
Ta chỉ biết ở ngoài dòng người chen chúc nhau kia có biết bao nhiêu hiểm họa đang rình rập, chỉ đến khi phải trả một cái giá thật đắt thì mới nhận ra bài học. Giờ, mỗi khi ra đường, thứ tôi lo sợ không phải là cảnh tắc đường, khói bụi, nóng bức mà là phải đoán xem sau lưng, trước mình có bao nhiêu người tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn, bao nhiêu người có thể trong cơn phê ma túy và có bao nhiêu chàng thanh niên hoi chưa cả đến tuổi thi bằng lái xe mà chạy xe như đánh cược với mạng sống.
Mất đi người thân ai cũng đau lòng nhưng mất vì tai nạn giao thông thì nỗi đau sẽ mãi dai dẳng. Vì chẳng ai ngờ, người vừa mới ngồi ăn với ta bữa cơm, vừa mới chào ta để đến chỗ làm mà chỉ trong khoảnh khắc không bao giờ có thể nói với ta một câu nào nữa.
Chính vì vậy, đừng biến việc bình thường hàng ngày - đi lại trên đường trở thành việc đáng sợ. Hãy để mỗi chuyến xe luôn về tới điểm đích cuối cùng.
Phong Linh