Một con rắn hổ mang chúa dài 4,5 mét đã trú ẩn trong căn bếp của một gia đình tại ngôi làng ở miền đông Ấn Độ.
Quá sốc khi phát hiện con rắn khổng lồ, gia đình đã bỏ trốn khỏi nhà và gọi cho chuyên gia về rắn Pradip Senapati tới.
Senapati đã giải cứu con rắn chết người và thả nó vào một khu vực được bảo vệ trước sự chứng kiến của các quan chức lâm nghiệp địa phương.
Subhendu Mallik của Snake Helpline cho biết: "Người cứu hộ đã làm rất tốt khi cứu sống một con rắn hổ mang chúa. Tuy nhiên, anh ta đã lơ là khi không mang giày phù hợp".
Hổ chúa là loài rắn độc lớn nhất thế giới, với chiều dài trung bình từ 3 đến 4m, có trường hợp ghi nhận cá thể rắn hổ chúa dài đến 6m. Loài rắn độc này sống chủ yếu ở các khu rừng mưa và đồng bằng của Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, rắn hổ mang chúa có khả năng giết chết nạn nhân thông qua một vết cắn có chứa từ 200 – 500mg nọc độc. Nọc độc của rắn hổ chúa ảnh hưởng đến trung tâm hô hấp ở não, gây ngừng thở và suy tim, dẫn đến tử vong trong khoảng 30 phút sau khi cắn nếu không được cứu chữa kịp thời.
Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Chúng tiết ra chất độc được chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi tấn công con mồi.
Đặc biệt, rắn hổ mang chúa có thể phun tối đa tới 7 ml nọc độc - có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng. Với "khả năng" này nên chúng được mệnh danh là "chúa của các loài bò sát".
Hải Vân (T/h)