Mariana, nằm trên phần đáy của khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, về phía Đông quần đảo Mariana thuộc Hoa Kỳ. Sở hữu chiều dài 2550 km, bề rộng 69 km cùng độ sâu lên đến 11.034m, rãnh Mariana chính là nơi “tận cùng” của trái đất. Vực thẳm này như là một thế giới hoàn toàn khác với nơi mà chúng ta đang sinh sống, từ những yếu tố môi trường siêu khắc nghiệt, cấu tạo địa hình khác lạ cho đến hệ sinh vật mà bạn không tin rằng chúng tồn tại trên đời!.
Rãnh Mariana được phát hiện bởi một con tàu thuộc Hải quân Hoàng gia Anh mang tên “HMS Challenger” vào năm 1858. Đến tận năm 1951, những khảo sát ban đầu về nơi sâu nhất trái đất này mới được thực hiện. Độ sâu của rãnh Mariana sâu đến mức, nếu bạn thả nóc nhà của thế giới núi Everest (cao 8.848m) xuống đây, đỉnh của nó vẫn còn cách mặt nước khoảng 2 km.
Ở nơi tận cùng của thế giới, nhiệt độ dao động từ 1 đến 4 độ C. Áp suất nước ở đáy rãnh khoảng 1.071 atm, gấp 1.000 lần so với áp suất khí quyển tiêu chuẩn ở mặt nước biển. Nếu bạn bị thả xuống điểm tận cùng của rãnh Mariana, thì một áp lực lên tới 8 tấn sẽ đè lên mỗi inch vuông trên cơ thể bạn.
Mặc dù môi trường sống vô cùng khắc nghiệt, nơi đây lại tồn tại rất nhiều loài sinh vật với hình dáng vô cùng kì dị. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu như: Sứa, cá ác quỷ, cá đầu trong suốt, các loài giáp xác khổng lồ, trùng lỗ… Bên cạnh đó, những cư dân của Mariana đều sở hữu những đặc điểm tiến hóa “đáng ngạc nhiên” để thích ứng với điều kiện sống khắc nghiệt nơi đây, một trong số đó chính là khả năng phát sáng để thu hút con mồi.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)
Video: Science Insider