Một con cá mái chèo dạt vào vịnh Pichilingue, thành phố La Paz, bang Baja California đã được kỹ sư nuôi trồng thủy sản Fernando Cavalin cùng một người bạn phát hiện trong lúc thực hiện chuyến kiểm tra hàng tháng vào chiều hôm 19/7.
Đoạn video ghi lại hình ảnh về con cá khổng lồ này được đăng tải lên mạng xã hội Twitter ngay sau đó, thu hút hơn 27.000 lượt xem và hàng trăm bình luận. Lúc đầu, Cavalin cho rằng con cá vẫn còn sống, nhưng sau khi kiểm tra, anh biết nó đã chết.
Sau khi ghi hình con cá, Cavalin đặt nó trở lại vịnh để nó trở thành thức ăn cho sinh vật gần bờ. Anh nói: “Protein của một con cá không bao giờ bị lãng phí. Những sinh vật khác có thể hưởng lợi khi ăn thịt nó”.
Một số người lo ngại sự xuất hiện của cá mái chèo, loài vật thường sống dưới biển sâu, là dấu hiệu động đất sắp xảy ra. Nhiều con cá mái chèo cũng đã dạt vào bờ biển Nhật Bản trước khi thảm họa động đất Fukushima năm 2011 diễn ra.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Bulletin of the Seismological Society of America năm 2019, điều này không đúng. Nhóm nhà khoa học Nhật Bản xem xét dữ liệu từ năm 1928 và nhận thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa việc cá mái chèo mắc cạn và động đất.
Cá mái chèo (Regalecus glesne) có thể dài tới hơn 9m và nặng 270kg, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Florida. Đây là loài cá xương dài nhất thế giới. Thức ăn của chúng chủ yếu gồm sinh vật phù du, mực và động vật giáp xác. Cá mái chèo thường sống ở độ sâu 200-900 m. Giới khoa học cho rằng bão hoặc các dòng hải lưu mạnh có thể đẩy những con cá bị thương đến vùng nước nông, khiến chúng bỏ mạng.
Công Hiếu (t/h)