Tôm là một loại động vật giáp xác, cơ thể tôm được bao bọc bởi một lớp vỏ kitin cứng bên ngoài. Trong quá trình phát triển, tôm cần phải thay lớp vỏ kitin để tăng trọng lượng và kích thước của cơ thể.
Chu kỳ lột xác của tôm được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một vòng đời. Tôm thường lột xác vào ban đêm khoảng từ 22h – 2h đêm. Khi lớp vỏ mới được hình thành không những giúp tôm tăng trưởng mà còn loại bỏ các vết sẹo, tạp chất, vi khuẩn, ký sinh trùng bám trên lớp vỏ cũ.
Hiện tượng lột xác của một con tôm sẽ diễn ra như sau: Lớp vỏ cũ giữa khớp đầu ngực và phần bụng nứt ra, các phần phụ của đầu tôm rút ra trước, sau đó là phần bụng và các phần phụ phía sau. Tôm rút ra khỏi lớp vỏ cũ bằng cách uốn cong toàn cơ thể.
Những con tôm khỏe mạnh, chỉ cần 3 đến 5 phút là có thể lột xác xong. Cơ thể tôm khi mới lột xác có màu trong, yếu. Lớp vỏ mới mềm sẽ cứng lại sau 1-2 giờ nếu tôm nhỏ và sau 1-2 ngày đối với tôm lớn.
Số lần lột xác của tôm tùy thuộc vào độ mặn hoặc nhiệt độ. Tôm cũng có thể lột xác khi môi trường thay đổi, hoặc sử dụng các chế phẩm kích lột.
Hải Vân (T/H)