Cậu bé trong đoạn clip tên Rapi Ananda Pamugkas (còn được gọi là Rap), hơn 2 tuổi rưỡi, xuất thân từ một khu chợ ở Sukabumi ở Indonesia. Cậu bé trở thành con nghiện thuốc lá ở độ tuổi quá nhỏ do sự thiếu ý thức của người lớn.
Lớn lên trong môi trường chợ búa, cậu bé sớm được tiếp xúc với nền văn hóa dân dã nơi đây. Trong đó, hình ảnh về những người qua đường miệng ngậm điếu thuốc rồi thở ra những làn khói trắng thu hút ánh mắt hiếu kỳ của cậu bé. Ban đầu, Rapi nhặt nhạnh những mẩu đầu lọc bị vứt lại xung quanh quầy hàng của mẹ để bắt chước hành động của người lớn. Cảm thấy thích thú, mấy ngày sau, cậu bé bắt đầu hỏi xin thuốc lá từ người mua hàng. Những người lớn này dù ngỡ ngàng trước yêu cầu của cậu nhưng thay vì ngăn cấm, họ tiếp tay cho cậu bé, biến việc một đứa trẻ hút thuốc thành trò tiêu khiển.
Dần dần, Rapi có những biểu hiện cáu bẳn và hung hăng mỗi khi không được đáp ứng nhu cầu “meroko” (thuật ngữ địa phương cho thuốc lá) của mình. Cho đến thời điểm hiện tại, cậu bé đã hoàn toàn bị nghiện và tiêu thụ gần 40 điếu thuốc mỗi ngày
Maryati, 35 tuổi, mẹ của Rapi, thú nhận phải mua cho thằng bé 2 bao thuốc để nó không nổi khùng lên. Cô cho biết, nếu không được hút thuốc, thằng bé sẽ khóc lóc và làm loạn cả ngày, đêm về sẽ không chịu đi ngủ. Chính vì lý do này nên cô khó tìm được cách cấm cản con mình hút thuốc.
Bố cậu bé, Misbahudin cũng vô cùng bỡ ngỡ trước thói quen độc hại của con. Anh thú nhận đến bản thân anh cũng không hút thường xuyên như vậy. Thậm chí, lúc hút thuốc, cậu bé còn đòi uống thêm cà phê.
Lo lắng cho tình trạng của con trai, cặp phụ huynh nói họ sẽ đưa thằng bé đến gặp bác sĩ để cố gắng tìm cách cai thuốc.
Trước đó, vào năm 2010 cũng ở Indonesia, cậu bé Aldi Rizal từng làm chấn động cộng đồng mạng vì vui vẻ hút thuốc khi chỉ mới lên 2, tương tự như Rapi.
Indonesia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người hút thuốc trong đó số lượng trẻ em hút thuốc luôn nằm ở mức đáng báo động. Khoảng 9% số lượng trẻ em dưới 18 tuổi ở đất nước này thường xuyên sử dụng thuốc lá.
Tôn Vỹ (Theo The Mirror)