Bằng việc chỉnh sửa chuỗi di truyền của vi khuẩn, các nhà khoa học đã có thể tạo nên những bức tranh nghệ thuật sống động với kích thước đáng kinh ngạc.
Bức họa nổi tiếng Mona Lisa của họa sĩ tài năng Leonardo da Vinci được tái hiện lại nhờ 1 triệu con vi khuẩn nhạy cảm với ánh sáng E.coli. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tái hiện bức chân dung của 2 nhà khoa học đại tài Albert Einstein và Charles Darwin cũng từ loại vi khuẩn này.
Trong đoạn video ta có thể thấy, hàng triệu con vi khuẩn xếp thành khuôn mặt của Einstein sau đó chuyển dần thành Darwin. Toàn bộ quá trình đều được điều khiển bằng ánh sáng.
Thực chất, E.coli không phải là loại vi khuẩn chịu ảnh hưởng của ánh sáng, bằng việc chỉnh sửa chuỗi gen, các nhà khoa học cấy vào chúng một loại protein mang đặc tính này. Loại protein này có tên khoa học là Proteorhodopsin, thường được tìm thấy ở các vi khuẩn ngoài đại dương. Khi kết hợp chất hóa học này với phần đuôi của E.coli, loại vi khuẩn này sẽ bị kích thích và bơi nhanh về phía ánh sáng.
Loài vi khuẩn được cải tiến sẽ tập trung thành các họa tiết định sẵn theo ý đồ của các nhà khoa học, khi ghép chúng lại với nhau sẽ tạo nên những bức tranh với độ chính xác rất cao. Để làm được điều này, các nhà khoa học sử dụng một máy chiếu hiển vi tạo nên một nền ánh sáng âm bản, các mảng sáng tối sẽ ảnh hưởng đến tốc độ bơi của loài vi khuẩn và sự tập trung của chúng sẽ tạo nên các họa tiết của bức tranh.
Mục tiêu mà các nhóm nghiên cứu này hướng tới là khả năng điều khiển vi sinh vật với số lượng lớn để một ngày nó đó có thể xây dựng hệ thống vận chuyển cấp độ hiển vi hoặc thậm chí in ấn 3D nhờ vi khuẩn.
Tôn Vỹ (Theo Dailymail)