Cá chình điện hay còn gọi là lươn điện sống ở phía Bắc Nam Mỹ chủ yếu ở lưu vực sông Amazon và sông Orinoco Peru (Nam Mỹ). Cá chình điện là loài có kích thước rất lớn, thân hình thon dài. Khi trưởng thành, cơ thể của cá có thể dài tới 2.4m và nặng khoảng 20kg.
Cá chình điện Amazon thực sự là một gã khổng lồ nguy hiểm bởi nó không chỉ có khả năng phóng điện mà còn cảm nhận được điện trường. Lúc gặp mồi hoặc kẻ thù, cá chình điện có thể phóng ra dòng điện mạnh tới 600 volt khiến con mồi có thể bị tê liệt hô hấp, suy tim và chết.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao sống trong một môi trường dẫn điện hoàn hảo như sông Amazon nhưng cá chình điện vẫn sống sót trước dòng điện của chính bản thân mình?
Khi tìm hiểu kỹ, các nhà khoa học nhận thấy rằng cá chình điện thường bị sốc điện khi phát điện để tấn công kẻ thù và đây là một rủi ro không hề nhỏ, nếu dòng điện phát ra với cường độ lớn và liên tục thì chúng rất dễ mất mạng như chơi. Tuy nhiên, cá chình thường không bị chính dòng điện trong cơ thể mình giết chết bởi 3 nguyên nhân sau:
Thứ nhất là cấu tạo cơ thể hợp lí: Với thân hình thon và kéo dài khiến cho khả năng dòng điện đi qua và gây hại cho các bộ phận trọng yếu là rất nhỏ. Dòng điện gần như phóng thẳng ra môi trường chứ không truyền trong cơ thể quá lâu.
Thứ hai là dòng điện không đủ lâu để giết cá chình: Kích thước cơ thể tỉ lệ thuận với điện áp cao nhất một con có thể tạo ra. Cá càng to, cường độ điện phóng ra càng mạnh. Các nhà khoa học cho rằng cá chình điện có khả năng điều chỉnh điện áp tối đa khó có thể giết chính nó trong khoảng thời gian ngắn mà dòng điện tồn tại, cộng thêm khả năng tạo ra điện và phóng điện vô cùng nhanh nên cá chình mới có thể an toàn như vậy.
Cuối cùng là khả năng đặc biệt nhất là uốn mình theo những hướng nhất định. Bằng cách này cá chình tránh được dòng điện đi qua tim. Với mỗi tình huống khác nhau, cá chình điện lại có 1 cách riêng để tự vệ.
Hải Vân (Tổng hợp)