Khoảng 100 tình nguyện viên đã tụ họp tại Cao nguyên Scotland để tham gia vào hoạt động quét mặt nước hồ âm u, trong khi hơn 300 người khác đã đăng ký theo dõi sự kiện này trực tuyến. Sự kiện này do Trung tâm Drumnadrochit Loch Ness cùng với một nhóm nghiên cứu tình nguyện có tên là "Khám phá hồ Loch Ness" tổ chức.
Các tình nguyện viên tham gia đã sử dụng máy bay không người lái được trang bị camera hồng ngoại để quét mặt nước của hồ Loch Ness. Đồng thời, họ cũng sử dụng các thiết bị ghi âm dưới nước để phát hiện âm thanh đến từ dưới mặt nước. Mục tiêu của hoạt động này là tìm kiếm bằng chứng hoặc dấu vết về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Việc sử dụng công nghệ hiện đại và sự hợp tác của cộng đồng tình nguyện viên đã tạo ra một sự kiện thú vị và độc đáo, thu hút sự quan tâm của cả người dân địa phương lẫn quốc tế.
Loch Ness là hồ nước ngọt lớn nhất ở Scotland trải dài 37 km và có độ sâu tối đa lên tới 240m. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, truyền thuyết về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness đã trở thành một bí ẩn lớn mà giới khoa học khao khát giải mã.
Truyền thuyết về quái vật hồ Loch Ness có từ thời cổ đại, nhưng kể từ năm 1930, câu chuyện mới được biết đến rộng rãi sau khi báo chí Scotland đưa tin về một bức ảnh chụp "con quái vật thời tiền sử". Nhưng 60 năm sau người ta phát hiện ra đó là một trò lừa bịp, sử dụng mô hình quái vật biển gắn vào một chiếc tàu ngầm đồ chơi.
Kể từ đó, vô số nỗ lực truy tìm quái vật đã được thực hiện nhưng không thành công.
Quốc Tiệp (theo Reuters)