Ngày 12/4, Newsweek đưa tin, vào khoảng 2h30 sáng cùng ngày (giờ địa phương), trong khi những hành khách khác ngủ thì Moharnab Saikia vẫn nhìn bầu trời qua cửa sổ máy bay và bắt gặp màn trình diễn cực quang ngoạn mục.
"Tôi đã biết về dự báo cực quang sẽ xuất hiện, nhưng cũng biết rằng nó có thể thay đổi, vì tôi đã nhiều lần cố gắng bắt được cực quang ở Washington nhưng không thành công", Moharnab Saikia nói.
Theo Moharnab Saikia, sau hai giờ bay, anh đã nhìn thấy thứ mình đang tìm kiếm. "Ban đầu ánh sáng khá yếu và tôi chỉ nghĩ đó là ánh sáng từ không khí. Nhưng tôi quyết định lấy máy ảnh ra và chụp một bức ảnh phơi sáng lâu và thấy một màu xanh mờ nhạt. Tôi rất phấn khích.
Sau một thời gian, cực quang mạnh đến mức tôi có thể nhìn thấy những con sóng màu xanh lá cây nhảy múa khắp bầu trời. Vào lúc đỉnh điểm gần như toàn bộ bầu trời được lấp đầy bởi ánh sáng cực quang”, Moharnab Saikia bày tỏ.
Saikia cho biết: “Tôi đã chụp nhiều bức ảnh… trong thời gian lâu nhất có thể trước khi tay tôi bắt đầu tê liệt”.
"Tôi không nói nên lời, vừa kinh ngạc vừa lo lắng vì biết đây có lẽ là cơ hội một lần trong đời để tôi trải nghiệm và chụp ảnh nó. Tôi đã gọi người bạn ngồi bên cạnh khi cô ấy đang ngủ để cùng trải nghiệm hiện tượng kỳ thú này", Saikia chia sẻ.
Trong thiên văn học, cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với tầng khí quyển bên trên của Trái Đất. Những dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi làm cho chúng trông giống như những dải lụa đầy màu sắc trên bầu trời. Cực quang diễn ra ở bắc bán cầu được gọi là bắc cực quang, còn ở nam bán cầu gọi là nam cực quang. Đây có thể coi là một trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên.
Clip: Hành khách bay đến Alaska ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp về cực quang.
Quốc Tiệp (lược dịch)