Nhắc đến hệ thống lọc nước Kabata, thì ví dụ điển hình nhất ở thời điểm hiện tại chính là làng Harie, một ngôi làng nhỏ nằm ở rìa vùng bãi bồi cạnh hồ Biwa, hồ nước ngọt lớn nhất Nhật Bản, thuộc tỉnh Shigai.
Với dân số chỉ khoảng 600 - 700 người, chưa tới 200 hộ dân thì có khoảng một nửa số hộ gia đình ở Harie vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống nước tự nhiên Kabata bên cạnh nước máy.
Hệ thống Kabata đưa nước từ nguồn nước ngầm bắt nguồn từ nước suối trên núi vào từng hộ gia đình, chia ra thành những tầng khác nhau. Nước chảy vào chậu rửa nhỏ bằng đá từ một đường ống được nối với mạch nước ngầm. Khi chậu rửa nhỏ đầy, nước sẽ chảy xuống bồn rửa lớn phía dưới. Bồn rửa này thường chiếm khoảng một nửa hoặc hai phần ba diện tích căn phòng. Chậu rửa thường có đường kính nhỏ hơn 1 mét và nằm trong bồn rửa lớn.
Mỗi tầng nước sẽ được dùng cho những mục đích khác nhau. Nhờ vào cách phân tầng này mà hệ thống Kabata giữ cho nước ở các tầng luôn đảm bảo chất lượng, không trộn lẫn vào nhau. Nước từ vòi sẽ luôn sạch hơn nước trong chậu nhỏ và nước trong chậu sẽ sạch hơn nước trong bồn lớn.
Điểm đặc biệt ở hệ thống Kabata là sự xuất hiện của các loài cá chép. Chúng được tự do bơi lội trong khu bồn lớn. Cá chép sẽ ăn những vụn thức ăn rơi xuống nước khi dọn rửa hoặc ăn từ chính đồ bếp bẩn mà người dân để xuống đáy bồn rửa. Loài cá vừa có thức ăn, vừa giúp làm vệ sinh dòng nước.
Nước từ trong chậu rửa thứ hai sẽ đổ ra các mương nước quanh làng, chảy vào sông Harie. Chúng sẽ chảy vào các ruộng lúa và một phần đổ vào hồ Biwa, nước lúc này vẫn trong tình trạng rất sạch.
Hải Vân (tổng hợp)