Khi đang lang thang kiếm ăn cùng đồng loại, một con linh dương đã rơi vào tầm ngắm của báo săn. Nhân lúc con mồi mất cảnh giác, con báo lập tức lao ra truy đuổi. Nhờ vào khả năng vượt trội về tốc độ, báo săn đã đuổi kịp rồi hạ gục con mồi một cách nhanh chóng.
Biết không thể thoát thân, linh dương nằm im trên đất và không mảy may động đậy. Tuy nhiên, khi báo săn chưa kịp thưởng thức thành quả của mình thì một con linh cẩu đã chạy cướp mồi. Thấy linh cẩu lao tới, báo săn liền buông con mồi ra rồi bỏ chạy.
Dù đã cướp được xác linh dương nhưng linh cẩu vẫn không can tâm để kẻ khác lởn vởn ngay trước mặt. Nó quyết định buông con mồi ra và chạy tới xua đuổi đối thủ. Tận dụng cơ hội này, con linh dương liền bật dậy tháo chạy trước sợ ngơ ngác của 2 kẻ đi săn.
Giả chết (Apparent death) hay hiện tượng chết cứng (Tonic Immobility-TI) là hành vi thường thấy ở động vật, trong đó con vật cố tình làm ra vẻ như đã chết. Để làm điều này, chúng thường giảm nhịp tim xuống thấp nhất, thậm chí ngừng thở và rơi vào trạng thái hôn mê. Ở một số loài, chúng thậm chí có thể phát ra mùi hôi thối, lè lưỡi, miệng nhỏ dãi, quằn quại... nhằm tăng tính thuyết phục cho cái chết giả.
Hiện tượng giả chết rất dễ bắt gặp trong tự nhiên, gồm hàng trăm loài động vật từ linh dương, linh cẩu, vượn cáo, thạch sùng, ếch nhái, kiến… Hành vi này thường được sử dụng như một chiến lược sinh tồn, bắt nguồn từ việc hầu hết những kẻ săn mồi chỉ thích ăn thịt tươi sống do sợ dịch bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, động vật giả chết không phải để trốn tránh kẻ thù mà nhằm mục đích kiếm ăn hoặc giao phối.
Hải Vân (T/H)