Bắt quả tang đối tượng chế tạo súng.
Sáng 15/11, Thiếu tá Nguyễn Duy Lộc, Phó Trưởng Công an huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang tiếp tục lấy lời khai đối tượng Nguyễn Quốc Thắng (32 tuổi, trú buôn Sút M’grư, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar) để điều tra về hành vi chế tạo súng trái phép.
Trước đó, sau một thời gian theo dõi nắm tình hình, đội Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH, Công an huyện Cư M’Gar đã bất ngờ kiểm tra nơi ở của Nguyễn Quốc Thắng và bắt quả tang đối tượng đang có hành vi chế tạo súng trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, Thắng đang lắp ráp 4 khẩu súng hơi cỡ lớn dùng để bắn đạn chì.
Qua khám xét khẩn cấp nơi ở của Thắng, tổ công tác còn thu giữ nhiều linh kiện, bộ phận rời của súng hơi, máy móc để chế tạo, lắp ráp súng và gần 600 viên đạn chì.
Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, vì có sở thích săn bắn chim nên đầu tháng 10 vừa qua, đối tượng đã tìm hiểu trên các mạng Youtube và mạng xã hội Facebook xem các clip hướng dẫn cách chế tạo súng hơi. Cũng thông qua mạng internet, Thắng đã liên hệ đặt mua linh kiện súng như: Nòng, cò, ống hơi, ống ngắm, ống giảm thanh.
Số linh kiện đặt mua được chủ hàng gửi qua đường bưu điện về cho Thắng. Mỗi khẩu súng Thắng chế tạo mất tầm 3 đến 4 ngày với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng.
Sau khi phát hiện vụ việc, Thắng đã vận động gia đình, người thân giao nộp thêm 2 khẩu súng kíp, 1 khẩu súng hơi bắn đạn chì và 1 khẩu súng cồn.
Hiện toàn bộ 8 khẩu súng trên đã được Công an huyện Cư M’gar đưa đi trưng cầu giám định để có cơ sở xử lý Nguyễn Quốc Thắng theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi chế tạo súng trái phép được quy định tại Điều 233 BLHS về tội Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Theo đó, người đủ 16 tuổi trở lên nếu vi phạm lần đầu sẽ bị phạt hành chính từ 20-40 triệu đồng theo khoản 6, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép. Nếu người từng phạm tội này bị phạt hành chính hoặc bị kết án nhưng chưa xóa án tích mà tái phạm thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo khoản 1, Điều 233 BLHS.
Luật sư Nam cũng nhấn mạnh, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1-5 năm nếu phạm tội có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc vận chuyển, sử dụng, mua bán qua biên giới, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm theo khoản 2, Điều 233 BLHS.