Cảnh tượng được ghi lại vào ngày 25/9 tại thành phố Bangalore thuộc bang Karnataka phía Nam Ấn Độ. Những đám bọt trắng bồng bềnh trông như đám mây kẹo bông thực chất là kết quả của một phản ứng hóa học giữa các hóa chất ô nhiễm và nước cống. Những lớp bọt vô cùng độc hại mang mùi hôi thối của nước cống đùn lên từ hồ Bellandur tràn ra cả mặt đường. Tại một số nơi, núi bọt cao đến 3m.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố là do dòng nước cống thải ra sau công tác làm sạch từ hồ Agara và Iblur đã bị chuyển hướng xuống hồ Bellandur. Tuy vậy đây không phải là lần đầu tiên sự cố bọt độc trào lên từ hồ nước ô nhiễm này, hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều lần. Vào năm 2015, tại chính hồ Bellandur, đám bọt hóa chất đã bắt lửa và bốc cháy dữ dội tạo nên một cảnh tượng vô cùng hãi hùng.
Dù hiện tượng diễn ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân nhưng chính quyền địa phương hầu như không hề để tâm đến. Cho đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra biện pháp nào để cải thiện nước hồ Bellandur. Kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải trên hồ gần nhất có khả năng sẽ được thực hiện vào năm 2020.
Cho đến thời điểm đó, người dân nơi đây sẽ phải sống cùng núi bọt độc hại hôi thối với các nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm.
Trái ngược với sự bất bình của người dân địa phương, mỗi khi núi bọt trào lên, khách du lịch từ khắp nơi lại nườm nượp đổ về thị trấn để chụp ảnh “sống ảo” với hiện tượng "kỳ thú" có một không hai.
Tôn Vỹ (Dịch)