Chủ nhân của những con trâu chọi không thể cầm chân chúng bằng dây chạc. Khi vừa nhìn thấy nhau, một trong hai con trâu điên cuồng lao vào đối thủ trong khi con còn lại thủ thế. 2 con trâu chọi cúi đầu xuống đất, dương cặp sừng nhọn hoắt về phía nhau. Cú lao quá mạnh của con trâu đực vạm vỡ khiến nó phải trả giá đắt. Đối thủ đã chặn đứng đòn tấn công này khiến nó cắm đầu xuống đất trong khi phần thân lộn một vòng trên không.
Lễ hội chọi trâu phía bắc Việt Nam rất nổi tiếng ở một số nơi như Phú Thọ, Hải Phòng. Để chuẩn bị những con trâu chọi, người nuôi trâu phải lựa chọn rất công phu trong việc tìm và nuôi dưỡng trâu, chăm sóc kĩ lưỡng trong khoảng một năm. Thông thường thì sau Tết Nguyên đán, các sới chọi đều cử người có nhiều kinh nghiệm đi khắp nơi để mua trâu, có khi họ phải lặn lội hàng tháng trời vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, thậm chí lên tận Tuyên Quang, Bắc Kạn... mới tìm được con trâu vừa ý.
Trâu chọi được lựa chọn phải là những con trâu đực khỏe mạnh, da đồng, lông móc, một khoang bốn khoáy, hàm đen, tóc tráp (lông trên đầu cứng, dày để tránh nắng), có ức rộng, cổ tròn dài và hơi thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dày, càng phẳng có khả năng chống chịu được đòn của đối phương.... là trâu gan. Háng trâu phải rộng nhưng thu nhỏ về phía hậu càng nhọn càng quý. Sừng trâu phải đen như mun, đầu sừng vênh lên như hai cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hình chóp trên đỉnh đầu là khoáy tròn, hai sừng phải nhọn. Mắt trâu phải đen, tròng đỏ.
Công Hiếu (t.h)