Theo Newsflare, chuyên gia động vật hoang dã Sitthiporn Dansirima đã mang theo con rắn này để trợ giúp ông và các đồng nghiệp trong một buổi biểu diễn nhận diện các loài khác nhau tại Trường Ban Non Sathian ở Bueng Kan, Thái Lan, vào ngày 21/8.
Tuy nhiên, khi Sitthiporn đang giữ đuôi con rắn, cố gắng khiến nó mở rộng phần đầu, nó đã trườn về phía mắt cá chân của ông và chui vào trong quần.
Clip ghi lại cho thấy một tình nguyện viên tên Nong Wave, đã kéo quần của Sitthiporn xuống và cuối cùng đã lấy được con rắn hổ mang.
Sitthiporn thở phào nhẹ nhõm nói: "Đây là bài học lớn nhất trong đời tôi. Mặc dù tôi đã thành công trong việc bắt con rắn, nhưng tôi đã phạm một sai lầm lớn. Lần sau, tôi sẽ cẩn thận hơn".
Giáo viên Rungrueng Tharawet cho biết, ông và các giảng viên khác đã rất hồi hộp khi chuyện này xảy ra.
Ông nói: "Người huấn luyện không thể di chuyển vì có thể con rắn sẽ cắn. Chúng tôi đều lo lắng liệu họ có thể lấy con rắn ra ngoài không. Các giáo viên đã tắt thiết bị âm thanh và yêu cầu học sinh không phát ra tiếng động.
Chúng tôi đã làm mọi cách để tránh làm con rắn hoảng sợ. Nếu nó sợ, nó có thể đã cắn đồng nghiệp của chúng tôi".
Nirut Chomngam, trưởng bộ phận động vật hoang dã của chính quyền địa phương, cho biết ông cũng tham dự buổi học và không ngờ rằng con rắn hổ mang lại chui vào quần của người đàn ông này.
Nirut nói: "Rắn thường không tấn công trừ khi chúng cảm thấy bị đe dọa, và chúng có xu hướng bỏ chạy do nỗi sợ tự nhiên đối với con người".
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng mỗi năm có 7.000 người được điều trị vì bị rắn cắn tại Thái Lan. Suchai Suteparuk từ Khoa Độc học của Đại học Chulalongkorn cho biết có 30 người trong số đó chết, trong đó rắn hổ mang là thủ phạm lớn nhất.
Hải Vân