Hình ảnh ghi lại được cho thấy, một con rắn hổ mang đang bò trên đường thì bất ngờ bị một con cầy mangut "đánh úp" từ phía sau. Sau khi cắn vào cổ con rắn độc, nó lôi xềnh xệch con vật trên đường.
Khi mới lôi đi được một đoạn, con rắn hổ mang đã thoát được khỏi miệng cầy mangut và quay sang chống trả quyết liệt. Tuy nhiên với sự đeo bám dai dẳng của cầy nangut thì không ai biết liệu con rắn có bỏ trốn thành công hay không.
Cầy mangut được xem là "khắc tinh" của rắn hổ mang. Ngoài khả năng di chuyển nhanh như chớp và hàm răng sắc nhọn như lưỡi dao cạo, loài sinh vật này còn sở hữu các tế bào đột biến có khả năng ngăn chặn chất độc thần kinh trong nọc rắn độc xâm nhập vào mạch máu, giúp chúng không bị tử vong trước những nhát cắn chí mạng.
Tờ LA Times (Mỹ) dẫn lời giải thích của các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann (Israel), cầy mangut không "hề hấn" gì khi bị rắn hổ mang cắn là do loài này có một thụ thể acetylcholine đột biến.
Các nhà khoa học phát hiện thụ thể acetylcholine của cầy mangut, giống như loài rắn, bị đột biến nhẹ để nọc độc bị bật ra khỏi các tế bào cơ, khiến chúng không bị trúng độc.
Khi tấn công rắn hổ mang, cầy mangut thường dựng đứng phần đuôi khiến con rắn độc bối rối. Cầy mangut, giống như nhiều loài săn rắn khác, sẽ cố cắn vào con rắn hổ mang từ phía sau đầu. Đây là phát cắn chí mạng mà vẫn giúp cầy mangut tránh khỏi những chiếc răng nanh sắc nhọn đầy nọc độc.
Hải Vân (T/H)