Một con rắn hổ mang chúa dài hơn 3,6 mét đã bị bắt dưới gốc cây xoài gần hồ Suntikoppa, Chikamangalur, bang Karnataka, Ấn Độ.
Cụ thể, những người qua đường đã tình cờ phát hiện ra con rắn và gọi cho lực lượng cứu hộ. Sau đó, chuyên gia bắt rắn Harendra đã tới hiện trường.
Sau một hồi tìm kiếm, người này đã dùng tay không bắt được con rắn. Con bò sát được giải cứu sau khi cành cây xoài bị gãy. Con rắn được kéo ra khỏi cảnh cây và thả vào một khu rừng an toàn. Đáng chú ý, đây là con rắn hổ mang chúa thứ 303 do Harendra xử lý.
Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới. Con trưởng thành thường dài khoảng 4 m, nhưng một số có thể dài tới hơn 5,5 m. Hổ mang chúa phân bố ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Loài vật này thường đi săn vào ban ngày, nhắm đến những con mồi như rắn, thằn lằn, trứng và một số loài thú nhỏ. Hổ mang chúa thường săn mồi trên mặt đất, nhưng chúng cũng có thể leo lên cây và bơi dưới nước.
Hổ mang chúa thường tránh người nhưng sẽ trở nên hung dữ khi bị đe dọa. Số lượng hổ mang chúa đang giảm do môi trường sống thu hẹp. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp chúng vào nhóm động vật sắp nguy cấp trong Sách Đỏ từ năm 2010.
Hải Vân (T/h)