Hình ảnh một con sư tử châu Á đang tấn công một con trâu rừng đực đã được một người dân ghi hình lại ở Junagadh, bang Gujarat, miền tây Ấn Độ.
Trong bóng tối, con sư tử cái đang ngoạm cổ con trâu đực, con mồi liên tục kháng cự khiến con kẻ săn mồi phải gặp khó khăn. Tuy nhiên, cuộc giằng co kéo dài không được lâu. Con sư tử đã giành được phần thắng và lôi con mồi vào bụi cây, cả hai mất hút ngay sau đó.
Sư tử châu Á (Panthera leo persica) là phân loài sư tử với kích thước nhỏ hơn một chút so với sư tử châu Phi. Trước đây chúng phân bố từ Trung Đông đến Ấn Độ, nhưng hiện chỉ còn khoảng 500 con sinh sống tại rừng Gir. Được biết, loài mèo lớn này hiện đã được xếp vào nhóm động vật nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Loài sư tử này có kích thước đặc biệt và khá to lớn. Ngoài tự nhiên, chúng thường sống được 16-18 năm, con trưởng thành nặng 135-230 kg.
Sư tử châu Á sống theo đàn, trong đó con cái là những thợ săn chính. Chúng dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi hoặc ngủ, khoảng 20 tiếng mỗi ngày. Bên trong Công viên Quốc gia Rừng Gir, sư tử chủ yếu săn hươu đốm, nai, linh dương, gia súc, trâu rừng và ít thường xuyên hơn là lợn rừng. Bên ngoài khu vực được bảo vệ nơi không có con mồi hoang dã, sư tử thường săn trâu và gia súc, đôi khi là lạc đà.
Sư tử châu Á tuy có kích thước nhỏ hơn một chút so với đồng loại của chúng ở châu Phi nhưng tính hiếu chiến không hề thua kém. Dù vậy, chúng rất hiếm khi xung đột với con người. Tổng cộng có 190 cuộc tấn công của sư tử châu Á vào con người đã được ghi nhận từ năm 2007 đến năm 2016 trong rừng Gir, trong đó chỉ có một tỷ lệ nhỏ dẫn đến tử vong.
Hải Vân (T/H)