Hai mẹ con tê giác đang dạo bước trước ống kính của vị nhiếp ảnh gia, thì bất ngờ một con sư tử cái đang nấp sau một bụi cây gần đó. Con sư tử bất ngờ lao đến tấn công con tê giác con, may mắn tê giác mẹ kịp thời phát hiện ra kẻ thù đang tấn công con mình.
Tê giác mẹ không ngần ngại đối đầu với con sư tử hung dữ và cứu sống được con của mình. Trước sự bảo vệ quyết liệt của tê giác mẹ, con sư tử cái chỉ biết đứng nhìn hai mẹ con tê giác đi mất. Trận chiến được ghi lại tại công viên Hluhluwe - Imfolozi (Nam Phi), do nhiếp ảnh gia Tim Brown tình cơ ghi lại.
Tê giác là loài động vật có vú trên cạn lớn thứ hai trên trái đất. Vào đầu thế kỷ 20, có 500.000 cá thể tê giác sống tự do trong tự nhiên ở Châu Phi và Châu Á. Tuy nhiên ngày nay, số lượng tê giác còn tồn tại trong môi trường hoang dã là không nhiều. Phần lớn tê giác hiện sống trong các vườn quốc gia và các khu bảo tồn do nạn săn trộm kéo dài và tình trạng mất sinh cảnh liên tục diễn ra trong nhiều thập kỷ qua.
Hầu hết các loài tê giác sống đơn độc và chúng tránh lẫn nhau. Nhưng một số loài, đặc biệt là tê giác trắng, có thể sống trong nhóm. Những nhóm này thường bao gồm một cá thể tê giác cái và các cá thể tê giác con, tuy nhiên vẫn có trường hợp các cá thể tê giác cái trưởng thành sống cùng nhau. Tê giác đực mặt khác lại muốn sống một mình, trừ khi chúng đang trong thời kỳ tìm tê giác cái để giao phối. Chúng có tập tính lãnh thổ rất cao và đánh dấu lãnh thổ của chúng bằng phân. Trên thực tế, tê giác sử dụng mùi của phân để giao tiếp với nhau, vì phân của mỗi cá thể có mùi riêng.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)
Video: Tim Brown Tours