Nhưng tại Gaza, những hàng phòng ngự tối tân này không hề tồn tại để bảo vệ Maisara Baroud, 47 tuổi, khi tòa nhà nơi ông sinh sống bị Israel không kích trong tối thứ Hai. Điều duy nhất đã cứu sống gia đình ông là một người hàng xóm la hét dưới đường.
Người hàng xóm này nhận được một cuộc gọi từ quân đội Israel, thông báo cho ông về việc một vụ không kích sẽ được thực hiện hướng vào khu nhà này. Người hàng xóm này đã báo cho Baroud và 15 thành viên gia đình cùng nhà với Baroud, trong đó có 9 trẻ em.
Loạt không kích đầu tiên đã phá hủy 6 tòa nhà trong khu nhà, bao gồm tòa nhà ông Baroud.
“Nhà tôi không thể dùng để ở được nữa. Cửa cũng bị phá hủy, các tường bên ngoài của tòa nhà đã bị san phẳng, cửa kính đã vỡ hết”.
Ông Baroud và những người khác cho rằng thời điểm tồi tệ nhất đã chấm dứt và bắt đầu vào nhà để cứu đồ đạc. Chỉ trong vài phút sau, người hàng xóm này lại nhận được một cuộc gọi từ quân đội Israel, về việc một cuộc không kích thứ hai sẽ được thực hiện, và họ lại phải bỏ chạy một lần nữa.
Cuộc không kích lần thứ hai phá hủy hoàn toàn ngôi nhà của Baroud, biến tòa nhà và studio của ông thành đống đá vụn.
Ông Baroud cho biết: “Tại Gaza chúng tôi không có gì cả, không có nơi nào để trốn, không có hầm trú bom, không có nơi tị nạn, chúng tôi chỉ có cách xuống đường...".
Tình trạng này đối lập với hệ thống phòng thủ dân sự của Israel, quốc gia đã hứng chịu hàng loạt các vụ phóng tên lửa từ Hamas trong những ngày qua.
Một bài viết của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đăng tải trong ngày thứ Năm đã viết về việc một số thành viên tại Gaza đã nhận được tin nhắn lúc nửa đêm hối thúc họ di tản khỏi nơi ở.
“Họ phải gọi trẻ em dậy giữa đêm để nhanh chóng rời khỏi nhà mà không thể mang theo tư trang cá nhân”.
Trong thứ Năm, Barbara Zind, một bác sĩ nhi khoa từ Mỹ tại Gaza trước CNN đã kể về việc đang bị kẹt tại khu vực này ngay trước khi cuộc phỏng vấn bị gián đoạn bởi tiếng nổ từ bên ngoài khách sạn của cô. Khi được hỏi có thể tìm nơi trú ẩn không, cô trả lời: “Ở đây không có hầm trú bom”.
Các cuộc gọi từ Israel cũng thường xuyên không được bắt máy tại Gaza vì các lệnh cắt điện luân phiên. Trạm điện duy nhất của vùng Gaza đã không còn nhiên liệu tính tới ngày thứ Tư vừa rồi và đã ngừng hoạt động, sau khi Israel tuyên bố lệnh “bao vây hoàn toàn” và cắt lương thực, nhiên liệu, nước và điện vào Gaza.
Azriel Bermant, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Prague, cho biết Israel “mạnh mẽ và có tổ chức” trên mặt trận phòng thủ dân sự.
Đặc biệt, Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF) đã phát triển các hệ thống cảnh báo sớm có khả năng kích hoạt còi báo động mỗi khi tên lửa bắn về phía Israel. Những hệ thống cảnh báo sớm này có thể tính toán địa điểm các tên lửa sẽ tấn công và kích hoạt còi báo động tại các khu vực này, cho phép người dân có thời gian di tản vào các hầm trú ẩn.
Nhiều chức năng phòng thủ dân sự cũng được tích hợp vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Israel. Luật pháp Israel yêu cầu mọi nhà dân, khu dân cư, và các tòa nhà công nghiệp phải có hầm trú bom.
Israel cũng có các biện pháp phòng thủ chủ động quan trọng. Đáng quan tâm nhất là hệ thống Vòm Sắt. Được triển khai vào năm 2011, Vòm Sắt được thiết kế để bắn hạ các đầu đạn được bắn vào Israel. Hệ thống này được trang bị một radar có thể phát hiện tên lửa, và sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát để nhanh chóng tính toán mức độ đe dọa của tên lửa. Nếu tên lửa có mức độ đe dọa cao, Vòm Sắt sẽ phóng tên lửa từ mặt đất để đánh chặn đầu đạn trên không.
Bermant cho biết, những hệ thống tên lửa phòng không, “chúng chắc chắn cứu mạng nhiều người” nhưng cũng góp phần làm yếu tố ngăn ngừa.
Tuy nhiên hệ thống này không hoàn hảo. Khi Hamas phóng lượng lớn tên lửa, hệ thống này sẽ quyết định những tên lửa có mức độ đe dọa cao nhất và đánh chặn chúng. Đôi khi, một số tên lửa vượt qua Vòm Sắt.
Israel đã tổ chức nhiều chiến dịch nhận thức cộng đồng nhằm giáo dục cộng đồng về cách phản ứng phù hợp khi còi báo động được kích hoạt - nơi họ nên di chuyển tới, khoảng thời gian họ có để tìm nơi trú ẩn, và điều cần làm khi không có sẵn địa điểm an toàn ở gần.
Do thiếu thốn tài nguyên, Gaza không có hệ thống tương tự như Israel. Mặc dù Hamas đã thi công mạng lưới hầm ngầm cho các binh lính của mình, họ chưa thể đầu tư vào hầm trú ẩn cho dân thường và hệ thống cảnh báo sớm.
Tareq Baconi, Chủ tịch hội đồng quản trị của mạng lưới chính sách Palestine Al-Shabaka đã cho biết: “Khác biệt lớn này chủ yếu đến từ các hàng rào phong tỏa, ảnh hưởng tiêu cực tới cơ sở hạ tầng của Gaza. Nguồn hàng nhập khẩu và tài nguyên có thể được sử dụng để xây dựng những hệ thống này đều bị kiểm soát gắt gao”.
Sự thiếu thốn đã khiến những người dân như ông Baroud sống trong sợ hãi. Khi tìm đồ đạc trong đống đổ nát, ông cho biết ông luôn tự hỏi tại sao nhà ông bị không kích.
“Tôi luôn tự hỏi tại sao? Nhưng rồi nhận ra rằng có hỏi cũng chẳng để làm gì”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)