Ước mơ xa vời
Nghiên cứu của DKRA (công ty Tư vấn, phát triển và tiếp thị BĐS) cho thấy, số lượng căn hộ chào bán mới tại TP.HCM trong quý 3/2018 đạt 6.711 căn, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 9% so với quý trước của năm 2018.
Lũy kế 9 tháng 2018, có 22.363 căn hộ được chào bán ra thị trường, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Trong quý III/2018, tại phân khúc căn hộ hạng C (dưới 2 tỷ đồng) không có một dự án nào được tung ra thị trường.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng nghìn người nhập cư sinh sống và làm việc nhưng vẫn không thể mua được nhà ở.
Trao đổi với PV, anh Tăng Bá Tuấn (quê tỉnh Hà Tĩnh) đang làm việc tại khu Công nghệ cao, quận 9 cho biết: “Đã 6 năm nay, hai vợ chồng từ quê vào TP.HCM lập nghiệp và tích góp được khoản tiền khoảng 400 triệu đồng, thế nhưng đến nay vẫn không thể mua được một căn chung cư để có chỗ cho gia đình sinh sống".
Theo anh Tuấn, nếu muốn mua được chung cư giá rẻ khoảng 60m2 thì gia đình anh phải có hơn 1,5 - 2 tỷ đồng. Nhưng nhiều năm trang trải, gia đình anh vẫn không thể đủ, cộng với việc ngân hàng siết chặt việc vay vốn mua nhà thì ước mơ có một căn hộ nhỏ ngày càng khó hơn”.
Chị Phạm Thị Thuý Hạnh (trú phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM) hiện đang làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân đã dành nhiều thời gian tìm mua một căn hộ phù hợp với gia đình 4 người của mình, nhưng thực sự vô cùng vất vả.
“Một căn hộ 3 phòng ngủ, bình thường tại khu vực Gò Vấp, Bình Thạnh ít nhất cũng phải nằm trên mức 2,5 tỷ đồng. Những người làm công chức, nếu không có thu nhập ổn định thì mơ ước mua được chung cư tại TP.HCM là xa vời. Một vài căn hộ có giá rẻ hơn nhưng xa khu vực trung tâm và khó đi lại. Gia đình chúng tôi cũng phải rất cân nhắc chắt góp từng chút để tìm kiếm căn hộ dưới 2 tỷ đồng, phù hợp với kinh tế và có thể trả nợ vay ngân hàng. Nhưng quanh các khu vực này đều không có dự án, có thì cũng là mua sang tay với giá rất cao".
"Nghèo còn gặp cái eo"
Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết: “Hiện nay, tình trạng thiếu căn hộ hạng bình dân đang là thực trạng rất phổ biến. Không chỉ trên địa bàn TP.HCM mà còn cả các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai. Đơn giản là các doanh nghiệp thiếu quỹ đất, cơ chế Nhà nước thắt chặt, khiến các chi phí đội giá lên cao, doanh nghiệp có muốn triển khai làm các phân khúc giá rẻ cho người dân dễ tiếp cận cũng khó lòng mà đáp ứng được. Do đó, chuyện không xây nhà giá rẻ mà làm phân khúc hạng A, B là điều bình thường”.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ vừa túi tiền trên thị trường là điểm dễ nhận thấy nhất. Nếu cách đây 1 năm, người mua có thể tìm mua căn hộ vừa túi tiền tại quận 8, quận 9, nhưng hiện nay tại các khu vực này không còn mà dạt ra các khu vực xa hơn như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè.
Khi trong quý 3/2018, không có dự án căn hộ hạng C nào ra đời thì trong quý 4/2018, mới đây chỉ có một vài dự án căn hộ tại TP.HCM có mức từ 1-2 tỷ đồng trở lên như tháp Diamond Center thuộc dự án Dream Home Riveside hay dự án CitiAlto tại quận 2, TP.HCM.
Ngoài ra, một số dự án khu lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai có giá bình dân như: Vista Riverside, Roxana Plaza, Himlam Phú Đông… đều ở mức giá khởi điểm trên 1,2 tỷ đồng/căn.
Cũng theo ông Phúc, nếu muốn chắc chắn có nhà và ở mức giá phù hợp, người dân có thể tìm qua các quận vùng ven TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận để có giá phù hợp hơn. “Người trẻ, còn sức khoẻ và cách làm việc lâu dài, không sợ không mua được nhà, nhưng bạn phải biết tính toán và lựa chọn cho mình cơ hội, cân nhắc trước một việc lớn, ở các khu vực xa trung tâm vẫn có nhiều nhà đầu tư đang rục rịch phát triển dự án căn hộ tầm trung”, ông Phúc nói thêm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM, (HoREA) hiện nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu lệch pha cung cầu, tỉ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 19,3%, trong khi cao cấp chiếm hơn 31%, thể hiện cơ cấu sản phẩm mất cân đối, thiếu tính bền vững.
Nếu đúng ra, trong thị trường BĐS phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất vì đây là phân khúc đáp ứng đa phần nhu cầu ở thực của khách hàng; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Nhưng trên thực tế, phân khúc căn hộ hạng C có sự sụt giảm nguồn cung mạnh, có những tháng không có nguồn cung nào chào ra thị trường. Theo đơn vị này, tình hình khan hiếm căn hộ hạng C theo dự báo có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo.
Nên phân cấp khách hàng để siết tín dụng bất động sản
Nói về cơ hội nào cho người tài chính hạn hẹp có thể mua được nhà, CEO Phú Đông Group Ngô Quang Phúc cho biết: “Trong khi quỹ đất khan hiếm thì các chủ đầu tư khó xây dự án chung cư giá rẻ. Đây chính là cái vướng mắc khó nhất với doanh nghiệp và đối với người dân. Nếu doanh nghiệp mua đất đắt quá thì xây dựng phải bán giá cao. Vậy thì người thu nhập thấp rất khó có thể tiếp cận được, nhưng không phải những người có thu nhập trung bình không thể mua được nhà dưới 2 tỷ đồng”.
“Hiện nay, cơ chế ngân hàng ngày càng siết chặt hơn để tránh lạm phát kinh tế. Cũng chính từ đây, thị trường BĐS giảm nhiệt theo. Tuy nhiên theo tôi, lãnh đạo Nhà nước cần phải có cơ chế mới cho người dân trong việc tiếp cận vốn vay để mua nhà. Chúng ta có thể thấy rằng, những người có thu nhập trung bình mong mỏi có nhà và họ cũng thế chấp luôn căn nhà của mình khi vay. Mặc dù siết tín dụng bất động sản, nhưng ngân hàng có thể phân biệt bằng việc người vay mua nhà lần đầu tiên sẽ được vay ở hình thức nào, lãi suất ra sao… và người vay mua nhà lần thứ hai, lần thứ ba hoặc nhà đầu tư… sau khi sàng lọc từng đối tượng như thế rồi cho vay, chắc chắn người dân sẽ có vốn và việc mua căn hộ trên 1 tỷ đồng không còn là điều khó”, ông Ngô Quang Phúc chia sẻ.