Đến thăm khu sản xuất của anh Quyền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cơ ngơi 2.000m2 với từng dãy nhà tôn khép kín, bên trong là nấm. Anh Quyền tâm sự: “Để có được cơ ngơi này, tôi phải vất vả hơn 10 năm trời...”.
Năm 2002, anh Quyền cầm tấm bằng cử nhân quản trị du lịch cùng bằng cử nhân luật đi xin việc ở thành phố. Nhưng với đồng lương tháng ba cọc ba đồng không đủ sống, sau gần 1 năm bám trụ thành phố, anh quyết định về quê lập nghiệp. Tuy nhiên lúc đó vốn liếng không có, bản thân anh cũng không có kiến thức gì về nông nghiệp.
“Chạy quanh tìm cây, con giống để nuôi trồng tôi cũng không thấy loại nào phù hợp. Cuối cùng nhờ người thầy giáo thời đại học giới thiệu mô hình trồng nấm rơm, tôi cùng gia đình quyết định vay mượn tiền mua nguyên liệu, dụng cụ bắt tay vào nghề trồng nấm” - anh Quyền kể.
Giai đoạn này cơ sở nấm của anh độc quyền trên thị trường Đà Nẵng nên nấm làm tới đâu bán hết tới đó. Thừa thắng, anh thuê đất của các gia đình trong vùng mở rộng mô hình trồng nấm. Chỉ trong vòng 1 năm anh giàu lên trông thấy.
Anh Quyền chăm chút cho từng bịch nấm.
“Khi đó, tôi có đủ tiền mua xe hơi, xây nhà cao tầng. Nhưng thấy bà con lối xóm đang nghèo quá, tôi tiết kiệm tiền để giúp đỡ bà con trong vùng xây dựng mô hình trồng nấm. Nói gì thì nói, dù sao mình cũng được học hành đàng hoàng. Không thành đạt được ở thành phố cho rạng rỡ gia đình thì mình cũng giúp được gì đó cho xóm làng quê hương”- anh Quyền bộc bạch.
Mô hình trồng nấm của gia đình anh đang phất lên như diều gặp gió thì Đà Nẵng bước vào giai đoạn “đại công trường”. Đất đai, nhà cửa gia đình anh nằm hết trong diện giải tỏa. Hết đất, mô hình trồng nấm của anh bị đình trệ, thu nhập của gia đình cũng như bà con trồng nấm trong vùng cũng mất theo. Không chấp nhận cái nghèo, anh mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng nấm tiên tiến ít lệ thuộc vào đất. “Lần mò mãi tôi tìm ra được mô hình trồng nấm trong nhà tôn ít phụ thuộc vào quỹ đất mà lại cho hiệu quả cao, rất phù hợp với vùng giải tỏa như quê tôi” - anh Quyền tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Hiền- Phó chủ tịch hội nông dân quận Liên Chiểu cho biết, cơ sở trồng nấm của anh Quyền đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 15 lao động trong vùng. Mô hình này rất hiệu quả với bà con nông dân nên anh Quyền còn là đầu mối cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm nấm trên địa bàn thành phố.
Anh Quyền tiết lộ, hiện thu nhập của anh từ trồng nấm khoảng 50 triệu đồng/tháng. Có điểm tựa vững chắc anh mạnh dạn nghiên cứu để từng bước cho ra thị trường các sản phẩm đặc biệt từ nấm như: nước mắm nấm, mắm ruốc từ nấm.
Theo Dân Việt