Dù hiện tại không ít người quay lưng, kỳ thị nhưng vẫn có những người trân trọng nâng niu tình yêu của những người phụ nữ với nhau. Chị Nguyễn Thị Thu Nam, cán bộ Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế là một trong 4 tác giả của nghiên cứu: "Sống trong một xã hội dị tính, câu chuyện 40 người nữ yêu nữ" cũng là người sẽ chia sẻ với bạn một góc nhìn về tình yêu của những người đồng tính nữ.
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau
Chị Nguyễn Thị Thu Nam chia sẻ: "Vừa mới đây thôi, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), nơi tôi làm cộng tác viên, nhận được cuộc điện thoại của một cô gái. Cô ấy yêu một người đồng giới và bị gia đình ngăn cản quyết liệt. Gia đình cô gái này đưa cô ấy vào bệnh viện tâm thần để cách ly không cho tiếp xúc với cô gái kia. Không chỉ thế, gia đình, anh trai cô gái này còn có những hành vi bạo lực và dọa nạt gia đình cô gái kia. Tình yêu của họ giống như rất nhiều tình yêu đồng tính khác thường gặp trở ngại và ngăn cản như thế. Nhưng có điều là không vì điều ấy mà họ dừng yêu nhau".
Trong nghiên cứu của iSEE có 14 trường hợp khảo sát là sinh viên. Một cô gái có nick là Lucy là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học. Cô sinh viên năm 3 này học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội của trường, được bạn bè và thầy cô yêu quý. Cô yêu một cô gái là sinh viên năm thứ 4 cùng trường.
Tác phẩm nằm trong bộ ảnh The Pink Choice- Yêu là yêu do Maika thực hiện vừa đoạt giải World Press Photo
Cả hai phải dùng đến vỏ bọc là "đôi bạn nữ thân thiết" để che giấu tình yêu của mình trước gia đình và bạn bè. Tình yêu này càng lén lút càng được lèn chặt và tha thiết hơn. Tenison, cũng là sinh viên năm thứ 3 còn chuẩn bị sẵn một câu để nói với bố mẹ trong trường hợp "come out" tình trạng của mình là: "Mẹ ơi con không lấy chồng, con chuẩn bị đem vợ con về đây".
Những cô gái thường xưng hô với người yêu mình là "vợ, chồng" hoặc "anh em" nhưng để giấu giếm, rất nhiều khi họ phải thay đổi. Đây là tâm sự của Hoàng Anh: "Trước mặt bố mẹ, em cũng phải gọi người yêu em là chị đấy chứ. Ngượng mồm chết đi được. Ngượng mồm lắm. Còn bạn ấy thì gọi tên. Bạn ấy hơn em 2 tuổi. Thường, em gọi bạn ấy là em xưng anh. Nhưng trước mặt gia đình vẫn phải gọi chị cho nó ngọt ngào mẹ nghe".
Chẳng phải chỉ che giấu trong xưng hô, cách họ gặp nhau cũng không dễ dàng gì. Giang 25 tuổi, chỉ đến nhà người yêu khi không có ai ở nhà. Trước khi đến phải bịt kín từ đầu đến chân và khi về cũng phải sử dụng bộ dạng "ninja" như thế. Khi họ đưa đón nhau thì cũng phải đứng cách xa dễ chừng vài trăm mét. Có những lứa đôi bị gia đình ngăn cản đến mức bố mẹ còn thuê người theo dõi. Để tránh theo dõi, đôi lần Bình nhớ người yêu đến mức để xe máy ở nhà và hẹn người yêu trên xe buýt. Họ sẽ được đi cùng nhau trên xe buýt dẫu chỉ để nắm tay cho bớt nhung nhớ. Và họ cứ ngồi như thế hết bến này sang bến khác. Với Bình chỉ lên xe buýt là không bị theo dõi thôi.
Đã sẵn sàng cho cả những điều chưa đến
Chị Nguyễn Thị Thu Nam kể: "Tôi rất nhớ một cặp nữ tôi đã từng khảo sát. Một bạn gái học ở nước ngoài, nơi người ta có thể tự do tìm kiếm tình yêu và thậm chí được thừa nhận hôn nhân đồng tính là hợp pháp. Nhưng ở nơi tự do như thế bạn ấy cũng không cho phép mình buông thả trong các mối quan hệ. Yêu và chung sống với ai đó không phải là điều dễ dàng để quyết định. Bạn này về nước và thực sự đã tìm được một cô gái đồng điệu với mình. Nhưng cô gái này không có điều kiện tốt như bạn ấy, gia đình rất khó khăn và không có công ăn việc làm và bị bố mẹ một mực ngăn cản tình yêu đồng tính.
Câu chuyện 40 người nữ yêu nữ Nghiên cứu này thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn sâu với 40 người nữ yêu nữ. Lứa tuổi chủ yếu của nghiên cứu là từ 19 đến 30 tuổi, một vài vấn đề thuộc về những người đồng tính nữ của thế hệ 6X, 7X. Trong số 40 người được phỏng vấn có 38 người ở Hà Nội và 2 người ở các tỉnh lân cận. 8 trong số 40 người có trình độ học vấn là THPT (hoặc thấp hơn). 27 người có trình độ đại học, cao đẳng (hoặc đang học bậc học này). 5 người có trình độ cao học (hoặc đang học bậc học này). Trong số 40 người tham gia trả lời phỏng vấn có 25 người đang sống cùng cha mẹ (trong đó có 1 người sống cùng người yêu ở nhà cha mẹ); có 5 người sống riêng với người yêu, 2 người sống cùng anh chị em hoặc họ hàng. 6 người sống một mình. 2 người sống với chồng con. Có 4 trên 40 người đã từng kết hôn với nam giới (trong đó có 3 người đã có con). |
Điều khiến tôi ngạc nhiên là, mối quan hệ này chẳng có ràng buộc gì về pháp luật nhưng tình yêu cao cả lại giúp họ sống có trách nhiệm và nâng niu nhau hơn. Cô gái từ nước ngoài trở về có điều kiện tốt hơn đã chuyển các tài khoản và tài sản khác của mình sang tên cô gái có hoàn cảnh khó khăn. Bạn ấy nói rằng: "Em muốn chuẩn bị sẵn sàng cho cả những điều xấu nếu nó xảy đến. Nếu như chúng em không thể chung sống được với nhau em vẫn muốn bạn ấy có được một nguồn tài chính ổn định. Ngay cả khi có chuyện đổ vỡ em vẫn an tâm rằng cuộc sống của người mình yêu sẽ luôn ổn định mà không phải vướng víu đến chuyện cơm áo, gạo tiền".
Trong rất nhiều đôi lứa người nữ yêu người nữ mà chị Thu Nam đã từng gặp có những lứa đôi đã sống cùng nhau đến 5 năm, thậm chí 10 năm. Hầu hết những người được hỏi đều muốn có con cái nhưng hết thảy đều trả lời "không phải lúc này". Họ thèm khát có con, thèm một niềm hạnh phúc khi tuổi già nhưng họ lại lo sợ cho những điều xảy đến với đứa trẻ. Họ có thể tìm đến những ngân hàng tinh trùng để sinh con. Nhưng liệu những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình có đến hai người phụ nữ như thế, khác biệt như thế thì có chịu đựng nổi sự kỳ thị của xã hội. Và rồi câu chuyện xu hướng tình dục của nó sẽ ra sao nếu như xã hội cứ mặc định rằng nó ắt sẽ phải giống người sinh thành ra nó?
Những áp lực đè nặng vai các cô gái
Một trong những nhân vật được khảo sát có tên là Huệ. Cô gái này bị gia đình cho rằng cô ấy không phải là "đồng tính thật" mà chỉ do a dua, ngộ nhận (dù rằng Huệ biết tình cảm, sự nồng nhiệt tha thiết của mình chỉ có thể dành cho phái nữ). Cô của Huệ còn khuyến khích Huệ đến gặp bác sĩ xem Huệ có đồng tính thật hay không. Cuộc gặp khiến tất cả đều thất vọng vì vị bác sĩ này không hiểu rõ về đồng tính. Ông cứ hỏi cô có muốn kiểm tra nhiễm sắc thể và phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không trong khi Huệ hoàn toàn coi mình là nữ giới.
Áp lực lớn nhất của họ là áp lực từ phía gia đình. Đây là câu chuyện của Chi: "Bố mẹ biết em và Diệp yêu nhau, bố mẹ lấy điện thoại di động tháo pin, tháo sim và cất kín. Điện thoại bàn cắt cả 2 chiều. Cửa ban công hay cửa ra vào đều khóa đến mấy lần ổ. Khi em đi học thì bố đưa đi bằng xe máy. Gần như là bố đứng luôn ở cổng cho đến hết giờ học thì đưa em về".
Có những lứa đôi khác bị bố mẹ dọa "từ mặt con": "Hồi em yêu bạn nữ ấy, mẹ gần như chết đi sống lại và cứ đòi nhảy xuống Hồ Tây tự tử. Bố mẹ dẫn em ra Hồ Tây, yêu cầu em thề cắt đứt mối quan hệ, trở về bình thường để yêu và lấy một thằng con trai hoặc nếu không thì hãy coi như không có gia đình". Và sự thật là có cả những người cha, người mẹ đã tử tự thật vì quá đau khổ khi không thể ngăn cản con.
Theo chị Thu Nam có những người vì không được sống là chính mình đã có ý định tự tử. Trong một nghiên cứu mới đây về trẻ em đường phố là người đồng tính thì ý định tự tử đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Quan niệm đồng tính luyến ái là rối loạn tâm lý là một quan niệm phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ 19. Đến những thập niên cuối của thế kỷ 20, khoa học đã khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Nhiều nước lần lượt loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần (bắt đầu từ Mỹ những năm 1970). Đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Đồng tính luyến ái được coi là một phần của đa dạng tính dục con người, chứ không phải là bệnh.
Theo Sinh viên Việt Nam