Đứng đầu danh sách “Tứ đại mỹ nhân” đất Sài Gòn vào cuối thế kỉ 19 không ai khác chính là cô Ba Trà (tên thật là Trần Ngọc Trà). Sự nổi bật của cô không chỉ đơn thuần dựa vào nhan sắc mà đó còn là kết quả của những “kĩ năng” làm điêu đứng những người đàn ông quyền quý, giàu sang nhất nhì đất Nam kì thời ấy.
Cô Ba Trà sinh năm 1906, cuộc đời của Ba Trà gắn liền với những cuộc hôn nhân, những cuộc tình chóng vánh cùng những người đàn ông giàu có. Ở tuổi mười bốn, khi đóa hoa hàm tiếu mới vừa hé nụ, cô Ba Trà đã trờ thành phu nhân của một vị quan Pháp. Đến độ tuổi trăng rằm, Trà gặp người chồng thứ hai của mình là Toàn – một thiếu gia gốc Hoa người Phan Rang. Nhưng cuộc tình sớm nở, chóng tàn bởi tính trăng hoa của Toàn.
Chua xót vì trở thành “kẻ bại trận” trong một cuộc tình tưởng như mình đã về nhất, cô Ba Trà kết thân với một vị bác sĩ có tên Trần Ngọc Án (hay nhiều người còn gọi là Diên Hương).
Có thể nói, cuộc tình “ông – cháu” này đã là một bước bản lề khiến cuộc đời của Ba Trà sang trang. Từ một cô gái thôn quê cô Ba Trà đã được bác sĩ Diên Hương “cầm tay nắn bút”. Bàn tay chỉ biết mò cua, bắt ốc, cầm liềm hái gặt nay đã biết cầm dao, cầm dĩa. Đôi bàn chân chỉ biết lội ruộng, lên xuống các toa tàu rao hàng xén, hàng quà, nay đã biết bước lên những chiếc xe hơi đắt tiền, biết khiêu vũ, nhún nhảy trong những không gian sang trọng.
Không biết khi sang trang mới, cuộc đời cô Ba Trà bước lên đỉnh cao hay xuống vực sâu. Điều đó chỉ có cô ấy mới cảm nhận và đánh giá được. Bởi song song cùng nhan sắc, danh tiếng, tiền bạc thì sự trụy lạc, sự sa ngã, đổ đốn cũng tịnh tiến theo.
Khi bác sĩ Diên Hương tậu cho cô nàng một căn nhà tại số 260 đường Richaud, nhiều người đã ví von rằng nơi đó chẳng khác gì lâu đài và cô Ba Trà đương nhiên là nữ hoàng sắc đẹp ngự trị trong lâu đài đó. Cô có quyền năng của một nữ thần khiến cánh đàn ông phải quỳ gối trước dung nhan của cô.
Nhưng thực sự thì đó không đơn thuần là một cung điện để tôn lên nhan sắc cô nàng. Đó chính là tấm mồ đẹp đẽ chôn vùi tuổi xuân và tư cách của đệ nhất mĩ nhân xứ Sài Thành.
Gọi “Nguyệt tiên cung” đó là “nấm mồ” là hoàn toàn hợp lí cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi bất cứ vị đại gia, các vương tôn công tử nào muốn vào đó cũng phải “cúng”, phải “đốt” hàng đống tiến. Không ít người đã khuynh gia bại sản vì “tiên cung” đó, cô Ba Trà cũng không ngoại lệ khi chính cô tự đẩy số phận mình xuống những canh bạc đỏ đen, những làn khói “phù dung tiên nữ” và… bùa ngải mà cô không thể nào rút chân ra được.
Đến Bạch công tử, khi đã tàn tạ bởi những cơn vũ bão ở “Nguyệt tiên cung” cũng phải thốt lên rằng: “Con Ba, (ý chỉ Ba Trà) nó có nhan sắc và tấm thân ngọc ngà giết chết bất cứ người đàn ông nào lao vào nó. Vậy mà, còn thêm hai món ăn chơi kia nữa (ý nói thuốc phiện và bài bạc) thì thử hỏi, có là thánh thì mới thoát khỏi tay nó”.
Có lẽ cô Ba Trà cũng không thể nhớ hết được những cái tên, những khuôn mặt trong “bộ sưu tầm” người tình của mình. Nhưng chúng ta có thể liệt kê một số “đại diện tiêu biểu” để có thể thấy sức ảnh hưởng của nhan sắc cô Ba Trà mạnh mẽ như thế nào. Hầu hết những người đàn ông có tiếng, có tiền, những công tử, thiếu gia, đại gia vào cỡ nhất nhì Sài Thành đều “xin chết” dưới nhan sắc của cô. Như đại công tử Tư Phước George (biệt hiệu Bạch công tử), cậu Ba Qui (biệt hiệu Hắc công tử - công tử Bạc Liêu), công tử Bích.
Ngoài ra còn có các trí thức máu mặt thời Pháp thuộc như: quan tòa Trần Văn Tỷ, thầy kiện Dương Văn Giáo, bác sỹ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, vua cờ bạc Sáu Ngọ cũng say cô như điếu đổ.
Nhiều nguồn tin cho rằng sở dĩ cô Ba Trà có sức hút mạnh mẽ như vậy là bởi cô biết chơi bùa ngải. Có một lần bác sĩ Diên Hương đã bắt gặp cô trong tình trạng khỏa thân, nằm trên một chiếc giường lò xo, bên dưới đốt than hồng và phát ra một thứ hương thơm khác lạ. Sau đó, cô ba Trà đã giải đáp rằng cô đang chơi ngải tình – một thứ ngải được thỉnh từ xứ Xiêm La.
Hương thơm trầm đó sẽ theo làn hơi, ngấm dần vào da thịt của cô và mỗi khi gần đàn ông, thứ hương đó sẽ tiết ra để các đấng mày râu phải mê mệt, đắm đuối.
Không chỉ chơi ngải tình, cô còn chơi ngải để… ngừa thai. Thú nhận với bác sĩ Diên Hương, cô Ba Trà từng khẳng định việc không dính bầu của mình là “do thực tế là em dùng bùa, dùng ngải một cách âm thầm từ khá lâu rồi”.
Nhưng đúng là nghiệp buôn hương bán phấn, “thời” mới là quan trọng. Khi nhan sắc ở đỉnh cao thì danh tiếng, tiền tài cũng ở đỉnh. Nhưng khi hương sắc phai tàn, cộng theo việc đã quen với sự chơi bời, trác táng thì hậu vận của những bông hoa rực rỡ cũng chẳng tránh được sự vùi dập của số phận.
Ngày cô còn trẻ, bước xuống phố ai cũng phải ngoái theo. Đàn ông vì thèm thuồng, phụ nữ vì ghen tị. Vậy mà khi đã luống tuổi, cô phải chịu cảnh cô đơn, lạnh lẽo. Cô chết như thế nào không ai biết, người ta chỉ biết cô nằm co quắp trên chiếc sofa dưới gầm cầu thang của một chung cư cũ tại Sài Gòn.
Kết thúc một phận “Đạm Tiên”, người đời chỉ biết nhìn vào số phận của cô, thở dài trách cứ. Cô từng làm bao gia đình phải tan vỡ, bao người đàn ông phải trắng tay… Nhưng có ai biết được rằng đằng sau những cuộc chơi trác táng, đằng sau sự “dập dìu lá gió cành chim” đó là số phận của một cô bé mồ côi sớm bị hắt hủi.
Cô và mẹ bị cả họ nội ghẻ lạnh, khinh ghét vì tội “sát cha”. Cha cô mất sớm, ông bà nội cho rằng tại cô sinh vào giờ kị nên “nếu còn con thì ắt mất cha”. Mẹ cô cũng vì bị gia tộc nhà nội lên án, ruồng bỏ quẫn trí, hận lây khúc ruột – người con gái của mình.
Có lẽ chính vì những định kiến cùng sự giáo dục sai lầm của gia đình mà cô bé Trà, từ một cô bé nông thôn trong sáng, chăm chỉ, ngoan ngoãn đã dần trượt dài và cuối cùng nhận lấy cái chết cô đơn, hiu quạnh cùng những lời đàm tiếu của thế gian.
“Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.
Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.”
Bảo Trang/NĐT