Ít nhất ba thành viên NATO đã sở hữu các hệ thống phòng không của Nga trong những năm qua, trước cả khi Mỹ gia tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ để hủy bỏ thỏa thuận S-400 gần đây, theo Anadolu.
Trước khi bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, Nga đã bán phiên bản tiền nhiệm là hệ thống S-300 cho khoảng gần 20 quốc gia, bao gồm các quốc gia thành viên NATO như Bulgaria, Hy Lạp và Slovakia.
Trước đó, có thông tin cho rằng, chính Mỹ đã từng mua một hệ thống phòng không S-300 vào năm 1994 từ Belarus. Theo New York Times, động thái này là để kiểm tra hệ thống của Nga và để hiện đại hóa lá chắn phòng không Patriot của nước này.
Hệ thống phòng không S-400 Triumf được Cục thiết kế trung ương Almaz của Nga phát triển dưới dạng một bản nâng cấp của mẫu S-300.
Vũ khí của Nga mang tên lửa đất đối không có khả năng đánh chặn nhiều loại mục tiêu trong khoảng cách từ 40 đến 400 km. S-400 được mô tả là hệ thống phòng không tốt nhất thế giới hiện nay.
Nga hiện có năm trung đoàn S-400 được triển khai trên toàn lãnh thổ: hai ở Moscow và một ở các khu vực quân sự ở Thái Bình Dương, Baltic và miền Nam. Nga đang có kế hoạch triển khai thêm 28 trung đoàn nữa vào năm 2020, mỗi trung đoàn gồm hai hoặc ba tiểu đoàn với bốn hệ thống, chủ yếu đặt ở khu vực biên giới, lãnh hải.
Syria, Belarus và Trung Quốc hiện cũng sở hữu các hệ thống S-400. Trung Quốc là khách hàng quốc tế đầu tiên đặt hàng S-400 vào năm 2014, với trị giá hợp đồng 3 tỷ USD.
Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đang gây tranh cãi trên truyền thông, các đồng minh khác của Mỹ cũng đang đàm phán với Moscow về S-400 bao gồm Saudi, Ai Cập, Iraq và Qatar.
Bên cạnh đó, hệ thống S-300 của Nga cũng đang được triển khai tại 17 quốc gia bao gồm cả các đồng minh NATO như Hy Lạp, Slovakia và Bulgaria.
Các quốc gia còn lại sở hữu S-300 là Ukraine, Algeria, Armenia, Azerbaijan, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Venezuela, Việt Nam, Georgia, Moldova, Turkmenistan và Uzbekistan.