Năm 1998, Trương Nghệ Mưu thực hiện bộ phim Một người cũng không thể thiếu (Not One Less) để phản ánh thực trạng khó khăn trong công tác phát triển giáo dục ở một vùng nông thôn. Bộ phim khắc hoạ bức tranh làng quê yên bình, dung dị đồng thời giúp khán giả cảm nhận phần nào sự vất vả của người dân sống ở nơi xa xôi, hẻo lánh.
Tình cờ Ngụy Mẫn Chi được đạo diễn Trương Nghệ Mưu phát hiện và chọn làm nữ chính trong bộ phim. Mẫn Chi khi đó mới 13 tuổi, là cô gái nông thôn gia cảnh nghèo khó, chất phác, ngoại hình không có gì đặc biệt, cũng không biết tí gì về diễn xuất.
Tuy nhiên dưới sự dìu dắt của đạo diễn nổi tiếng cô đã có màn thể hiện xuất sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khán giả về hình ảnh những em bé nông thôn nỗ lực khắc phục khó khăn theo đuổi con chữ.
Trong phim, Ngụy Mẫn Chi dùng tên thật và đóng vai cô giáo bất đắc dĩ được trưởng thôn chỉ định sau khi thầy giáo về quê thăm mẹ ốm. Nhiệm vụ của cô bé 13 tuổi là phải đảm bảo sĩ số học sinh đến lớp, một người cũng không thể thiếu.
Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao không chỉ bởi nội dung ý nghĩa mà còn vì tâm huyết của đạo diễn khi sử dụng dàn diễn viên gồm những em bé nông thôn hoàn toàn nghiệp dư để tạo nên một tuyệt tác. Not One Less đã giành được nhiều giải thưởng danh giá cả ở trong nước và quốc tế, trong đó đáng chú ý là giải Sư tử vàng cho phim hay nhất tại liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 56.
Thành công của bộ phim cũng thay đổi hoàn toàn số phận của cô bé xuất thân nghèo khó Ngụy Mẫn Chi. Sau khi phim công chiếu Mẫn Chi trở thành cái tên được săn đón, một bước thành sao. Song cô nổi tiếng không phải nhờ ngoại hình mà nhờ thực lực và tố chất sẵn có. Ban đầu Trương Nghệ Mưu vốn định chọn em gái Mẫn Chi. Bởi so với cô chị thì người em gái tỏ ra hoạt bát, năng động hơn lại biết ca hát, nhảy múa. Tuy nhiên trong buổi diễn thử vai, Ngụy Mẫn Chi mới là người lột tả được cái hồn của nhân vật chính.
Là người đưa nữ diễn viên họ Nguỵ đến với ánh hào quang khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chính Trương Nghệ Mưu cũng sớm nhận ra Ngụy Mẫn Chi không thích hợp bước chân vào showbiz. Ông còn khuyên cô hãy tiếp tục chuyên tâm học văn hóa: "Mẫn Chi không có lợi thế về ngoại hình, khó mà bước lên con đường trở thành ngôi sao được. Thế nhưng ở cô bé thực sự toát lên một khí chất thuần phác", Trương Nghệ Mưu nhận định.
Nghe lời "ân sư", Ngụy Mẫn Chi quyết định từ bỏ sự nghiệp diễn xuất. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô thi vào Học viện Điện ảnh Bắc Kinh nhưng không đỗ. Thất bại này khiến cô bị mọi người coi thường, hiểu lầm. Áp lực dư luận cộng thêm ôn thi vất vả khiến cô gái 19 tuổi bị ảnh hưởng tâm lý. Có thời gian Mẫn Chi xuất hiện triệu chứng "mộng du" nhẹ, cuối cùng nhờ giáo viên tâm lý cô mới trở lại bình thường.
Sau nhiều cố gắng, năm 2004, cô trúng tuyển vào khoa Biên kịch và đạo diễn Học viện truyền thông điện ảnh và truyền hình Đại học Ngọai ngữ Tây An. Nhờ thành tích học tập xuất sắc Ngụy Mẫn Chi giành được học bổng du học từ Brigham Young University của Mỹ chuyên ngành truyền hình truyền thông. Bên cạnh việc học cô còn tích cực tham gia các hoạt động của trường, được nhiều người biết đến với tài năng sáng tác cũng như đạo diễn. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu quả là có con mắt nhìn người khi đã phát hiện ở Ngụy Mẫn Chi có sự cảm nhận tinh tế và tố chất điện ảnh tiềm tàng.
Năm 2008, cô kết hôn với một Hoa kiều và hiện đã có một cậu con trai. Nhan sắc cũng như vóc dáng của Ngụy Mẫn Chi cũng khác hẳn xưa. Cô trở nên mũm mĩm, cũng không quá chăm chút về ngoại hình.
Chia sẻ về điều này Ngụy Mẫn Chi cho biết: "Tôi không còn là nghệ sĩ, cũng không chú trọng chuyện giữ gìn nhan sắc hay thẩm mỹ. Cuộc sống bên chồng con đã chiếm hết thời gian trong ngày của tôi. Tôi không có ý định là diễn viên lâu dài, với tôi mọi thứ với nghiệp diễn xuất chỉ như một cơ duyên ngắn ngủi trong đời".
Dù không nổi tiếng bằng những “Mưu nữ lang” (danh hiệu công chúng đặt cho nữ diễn viên thành danh nhờ đạo diễn Trương Nghệ Mưu) khác như Củng Lợi, Chương Tử Di Đổng Khiết,... nhưng Ngụy Mẫn Chi luôn coi Trương Nghệ Mưu là ân nhân và không bao giờ quên ơn ông. Nếu không có sự tinh tường của Trương Nghệ Mưu, Ngụy Mẫn Chi có thể đã giống như hầu hết những phụ nữ ở thôn quê, cả đời gắn bó với trồng lúa chăn lợn, ở nhà lấy chồng và trình độ học vấn không cao. Từ một cô gái quê mùa Ngụy Mẫn Chi trở thành một người có tri thức, thông thạo tiếng Anh. Đây chính là màn lột xác ngoạn mục. Trương Nghệ Mưu chính là người mang lại phép màu cho cuộc đời cô.
Minh Hoa (t/h)