Quy định về xe ưu tiên đã "chặt"?
Trong vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội) xảy ra hôm 18/3, khiến 1 cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người bị thương có tình huống, chiếc xe cứu hỏa trên đường đi làm nhiệm vụ đã rẽ ngược chiều vào đường cao tốc gây ra nhiều tranh cãi.
Trước sự việc này, một số chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, cơ quan chức năng cần giới hạn “quyền lực” của xe ưu tiên - như trường hợp chạy ngược chiều trên đường cao tốc vừa qua có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng: Phải cho xe có quyền ưu tiên nhưng đồng thời vẫn cần những điều kiện để giữ an toàn chung.
“Để hạn chế xung đột giao thông, chúng ta cũng nên cẩn thận đặt ra các điều kiện cho xe có quyền ưu tiên. Điều đó đòi hỏi phải rà soát lại quy trình để xem bất cập ở đâu. Việc thực hiện quyền ưu tiên đó luôn gắn với quy trình hết sức chặt chẽ.
Ví dụ, quy trình về bật đèn, hú còi, cảnh báo dọc giao thông để giảm tốc độ khi có trường hợp khẩn cấp cho xe ưu tiên lưu thông là vô cùng quan trọng. Bởi khi có những tín hiệu thông báo, cảnh báo thì tài xế mới có thời gian để phản ứng trong bối cảnh đang di chuyển với tốc độ cao”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, vấn đề tập huấn và đào tạo những người lái xe, đặc biệt các xe ưu tiên là vô cùng thiết yếu. Bản thân người thực thi công vụ cần nắm được các quy trình và được bảo vệ bởi các quy trình đó. Người lái xe cần phân tích, nhìn nhận và đánh giá vấn đề tốt. Khi nào cần sử dụng quyền ưu tiên, khi đi lại như vậy có thể dẫn tới những trường hợp gì, phản ứng như thế nào?... Tránh việc sử dụng quyền ưu tiên nhưng có thể dẫn tới những xung đột, va chạm nguy hiểm khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Điều 22, luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, các xe ưu tiên bao gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang, được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới.
Các xe ưu tiên nêu trên không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ là khi chạy ngược chiều xe ưu tiên phải chạy làn đường nào.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho rằng, cần phải rà soát và nghiên cứu việc cho phép chạy ngược chiều trên đường cao tốc sao cho phù hợp.
Theo ĐBQH Nhưỡng, xe ưu tiên không thể chạy trên bất cứ đường nào, phải cân nhắc giữa yếu tố có thể có lợi cho một vụ việc nhưng lại dẫn tới nguy cơ tang thương hơn cho số đông. “Chạy ngược chiều trên đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm, bởi các tài xế luôn chạy trong tinh thần khẩn trương, tốc độ cao và tận dụng lợi thế của cao tốc. Do đó, chỉ cần một tích tắc hoặc yếu tố tác động như: Mưa gió, khuất tầm nhìn thì hậu quả vô cùng tàn khốc.
Bổ sung luật phải có lộ trình
Trao đổi với PV về vấn đề thay đổi luật, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách tư pháp (Bộ Công an) cho hay: Muốn thay đổi, sửa đổi, xây dựng luật mới thì phải có quy trình sửa đổi và được các cấp thẩm duyệt theo quy định, không phải cứ muốn là thay đổi được.
Trong khi đó, trả lời báo chí về việc có nên điều chỉnh quy định quyền ưu tiên một số loại xe trong luật Giao thông đường bộ, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ GTVT, cho rằng, quyền ưu tiên của một số xe và giao thông trên đường cao tốc đã được quy định trong luật Giao thông đường bộ.
Bà Nga cho rằng, kiến nghị loại bỏ quyền đi ngược chiều vào đường cao tốc của các xe ưu tiên cần phải được thảo luận và đánh giá tác động cụ thể. “Việc sửa đổi các điều khoản của luật đều phải được đưa ra xem xét, thảo luận kỹ và lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên cơ sở đánh giá thực tiễn triển khai các quy định đó”, bà Nga khẳng định.
Xe cứu hỏa buộc phải chạy ra làn ngoài trên đường cao tốc Lý giải về việc chiếc xe cứu hỏa trong vụ tai nạn giao thông xảy ra hôm 18/3, đã rẽ ra làn ngoài thay vì làn khẩn cấp trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 (Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội) cho hay: Lẽ ra, xe cứu hỏa đã đi vào lần khẩn cấp nhưng do góc trái đoạn cua đang sửa nên phải tránh. Đúng lúc này, xe khách lao tới và xảy ra tai nạn. Thượng tá Quyến khẳng định, những việc làm của cán bộ chiến sĩ PCCC luôn nhằm mục đích để cứu người. “Chúng tôi làm theo mệnh lệnh trái tim, chỉ một tích tắc đến hiện trường sớm thì sẽ cứu được rất nhiều người. Trong vụ việc này, nếu tín hiệu giao thông của chúng tôi được tuân thủ đầy đủ thì đã không xảy ra TNGT, hai nạn nhân của vụ tai nạn trước đó cũng có thể đã được cứu an toàn”, vị trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 nói. |