Những tháng cuối năm, Hà Nội liên tục dẫn đầu về số ca mắc Covid-19 trên cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế số liệu cập nhật đến ngày 4/12, Hà Nội chỉ có 4.651 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này có tới 3.902 người chỉ diễn biến nhẹ, thậm chí không xuất hiện triệu chứng, chiếm khoảng 83,8% tổng số bệnh nhân tại Hà Nội. Các trường hợp diễn biến từ trung bình đến nặng, nguy kịch chỉ chiếm gần 20% các bệnh nhân đang điều trị tại viện.
Về mức độ bao phủ vắc-xin của Thủ đô, cũng mang lại những con số khả quan, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 11/1 kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỉ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2.
Tỉ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,9% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỉ lệ 99,5% mũi 1, 90,8% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỉ lệ 99,4% mũi 1 và 94% mũi 2.
Trước những kết quả trên, thấy được hiệu quả của việc tiêm phòng vắc-xin trong việc giảm tỉ lệ ca chuyển nặng khi mắc Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã định nghĩa lại về ca bệnh Covid-19, những ca bệnh tiếp xúc gần (F1), ca bệnh nghi ngờ cũng đã được xác định lại. Những công thức phòng chống dịch trước kia cũng dần được thay đổi để phù hợp hơn với tình hình mới.
Thực tế thời gian gần đây, không còn hoạt động thông báo tìm người đến địa điểm có ca mắc F0, vậy hoạt động khai báo y tế khi đến từng địa điểm công cộng như hiện nay có cần phải duy trì?
Chú trọng tiêm vắc-xin
Người Đưa tin đã có trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.Hồ Chí Minh. Theo đó, bác sĩ Khanh cho biết: “Không cần thiết phải triển khai thực hiện khai báo y tế khi đến từng địa điểm như trước kia. Thông tin quan trọng hiện nay là đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin chưa (hoặc những mũi tăng cường).
Ngoài ra, cũng không còn công tác truy vết, tìm người đến địa điểm thì hoạt động khai báo cũng không còn quan trọng”.
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng bày tỏ những địa điểm như bệnh viện thì vẫn có thể duy trì hoạt động này nhằm mục đích thực hiện phân luồng riêng cho những người có triệu chứng sốt, ho, tránh lây lan diện rộng.
Chia sẻ xem về việc số ca mắc của Hà Nội như hiện nay, ông Khanh chia sẻ: “Điều chúng ta nên quan tâm hơn đó là độ bao phủ tiêm vắc-xin, đẩy nhanh triển khai tiêm mũi 3, giúp tăng khả năng kháng thể đối với vi-rút, chứ không phải số ca mắc hằng ngày”.
Bên cạnh đó, việc quá tải hệ thống y tế chỉ thực sự lo lắng đối với những ca bệnh nặng, còn số ca lớn nhưng phần lớn không triệu chứng, và ở thể nhẹ người dân không nên quá hoang mang.
Cung cấp thông tin khi cần thiết
Ở chiều ngược lại, chia sẻ với Người Đưa tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ quan điểm hoạt động khai báo vẫn là cần thiết.
“Theo tôi, trước tình hình dịch như hiện nay vẫn cần khai báo y tế. Chúng ta có thể không truy vết hết được các trường hợp tiếp xúc gần nhưng nhờ khai báo có thể thông báo cho những người đã tiếp xúc với F0 (cùng ăn nhà hàng, cùng chuyến bay, cùng ngồi gần…)”.
Từ đó để áp dụng các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sức khỏe, tự cách ly tại nhà cho bản thân và tránh lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, theo ông Phu, đây vẫn là những thông tin cần thiết để cơ quan y tế áp dụng các biện pháp phòng dịch nếu cần.
Ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công điện về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong Quý I năm 2022.