Tại phiên họp chiều ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình một số vấn đề ĐBQH nêu.
Đại đa số các đại biểu đều nhận định tình hình chung cơ bản thuận lợi, nền kinh tế phát triển đúng hướng, các lĩnh vực văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... chuyển biến tích cực. Các đại biểu thấy có 3 nguyên nhân cơ bản đạt được những thành tựu đó là: Chủ trương của Đảng, xây dựng pháp luật và giám sát của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm nghẽn, bất cập của nền kinh tế, những rủi ro trong thời gian tới, các vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, đầu tư công, tỉ lệ hộ nghèo, xử lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Các đại biểu cũng nêu các thách thức trong thời gian tới là cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch, giá dầu; biến đổi khí hậu; tụt hậu khoảng cách phát triển. GDP bình quân đầu người tăng mỗi năm mới khoảng 100 USD trong hai năm tới đây phải tăng 800-1000 USD là thách thức rất lớn. Nếu không đạt được thì khoảng cách tụt hậu càng gia tăng.
Có 5 thách thức trong thời gian tới: Thứ nhất, thách thức về chiến tranh thương mại; Thứ hai, thách thức về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Thứ ba, tụt hậu và thêm khoảng cách phát triển; Thứ tư là vấn đề hội nhập quốc tế; Thứ năm là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có tầm nhìn, bước đi một cách bài bản. Điều này không chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn các bộ ngành có liên quan cùng phối hợp thực hiện.
Chúng ta cũng đã khắc phục một phần các tồn tại của nền kinh tế nhưng vẫn còn rủi ro, nguy cơ. Trong thời gian tới, vừa phải duy trì, củng cố đạt được, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, đưa nền kinh tế phát triển nhanh liên tục. Chúng tôi đồng tình với các giải pháp mà đại biểu nêu, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phát triển nhanh và bền vững, cần dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Sau 3 năm thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, các kết quả nổi bật thể hiện trong toàn bộ nền kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có những chuyển biến theo đúng kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đã nêu còn triển khai chậm và chưa tạo chuyển biến rõ nét, trong thời gian tới phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt hơn.
Về phát triển doanh nghiệp, các đại biểu nêu rất nhiều ý kiến. Các doanh nghiệp phát triển rất nhanh, năm nay dự kiến có thêm 130 nghìn doanh nghiệp. Nhưng số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn tăng cao do quy luật cạnh tranh, đào thải, khó tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất như vốn, đất đai, lao động…
Hiện nay, có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, để có thêm khoảng 300.000 doanh nghiệp trong 2 năm tới, cần phải triển khai các giải pháp như dễ tiếp cận thị trường các yếu tố đầu vào, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục... tin rằng sẽ đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Về thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có các kết quả đạt được nhưng cũng có những hạn chế về công nghệ, chuyển giá, môi trường... Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng định hướng mới trong thời gian tới, coi thu hút đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế, nhưng phải có bộ lọc, không thu hút bằng mọi giá như về môi trường...
Còn các vấn đề khác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, nghiên cứu để đề xuất những giải pháp trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.