Cỗ chay tiền triệu
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vốn là một “tín đồ” của các món ăn chay. Chính vì thế, chị Trang rất coi trọng việc ăn chay ngày Rằm và mùng Một hàng tháng. Không những thế, chồng chị Trang là giám đốc một công ty xây dựng nên việc chuẩn bị mâm cỗ ngày lễ cúng gia tiên càng được họ chú trọng hơn. Đích thân anh đưa vợ đi đặt cỗ chay.
Làm cỗ chay. Ảnh minh họa.
Chị Trang chia sẻ với PV: “Trước đây, mỗi dịp Tết, cả nhà tôi cùng về quê để thắp hương các cụ. Hai vợ chồng thường ghé qua một ngôi chùa lớn ở Bắc Ninh để đặt các sư thầy ở đó làm cỗ chay cho Rằm tháng Giêng luôn. Gần đây, do công việc bận rộn nên đến sát ngày chúng tôi mới có thời gian đi đặt cỗ chay “cấp tốc” tại một cửa hàng cỗ chay với giá khá cao. Tính một mâm cỗ hơn chục món cũng có giá vài triệu đồng.
Năm nay, ngoài làm mâm cỗ cúng gia tiên, vợ chồng tôi còn tổ chức tiệc chay tại nhà mời bạn bè thưởng thức. Tuy có tốn kém nhưng mang tiếng là mời khách thì dù đãi bằng món chay cũng phải thật tươm tất, hoành tráng chứ không thể để người ta chê cười được”.
Chị Trang bật mí, mâm cỗ mà chị đặt thuộc hàng “thượng lưu” theo phân loại của nhà hàng, với 15 món chay như: Súp yến, cá thu sốt giá 98.000 đồng/tô, gà đen rang muối giá 120.000 đồng/đĩa, trứng hấp 45.000 đồng/10 quả, giò lụa 45.000 đồng/đĩa, sườn xào chua ngọt 85.000 đồng/đĩa, đậu phụ sốt cà chua 35.000 đồng/đĩa cùng nhiều món khác nữa giá lên đến hơn 2 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi của các món chay, chị cho biết tất cả đều được làm bằng bột mì nhưng gọi bằng tên các món như vậy để cho sang mâm cỗ.
Trong xã hội hiện đại, với không ít gia đình có điều kiện, chuyện lễ lạt không chỉ dừng lại ở mâm cỗ tươm tất bày lên ban thờ mà còn là dịp để họ chứng tỏ độ giàu có.