Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành: Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Nghệ An và Thanh Hoá.
Có thể dẫn đến bất bình đẳng
Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn rằng việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương này sẽ không công bằng với các tỉnh nhỏ lẻ, khó khăn riêng. Từ đó, ông Hoà đề nghị nên ban hành Nghị quyết vùng, để tránh tình trạng so bì giữa các địa phương, và việc phát triển chung sẽ tốt hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) bày tỏ thực tế hiện nay, nhiều địa phương mong muốn có cơ chế đặc thù, để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Nhiều địa phương có Nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm về kinh tế, an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, theo ông Chung, việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thoả, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù, khi mà cử tri và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo địa phương có yếu kém không tại sao không xin được cơ chế cho địa phương.
"Từ đó, dễ gây hiểu lầm, vì sao địa phương kia nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm…vì sao có địa phương có chính sách riêng, trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau?", đại biểu đoàn Phú Thọ băn khoăn.
“Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không? Có phân biệt "con đẻ, con nuôi" không? Có không công bằng không?”, ông Chung đặt câu hỏi và đề nghị: “Chính phủ, các cơ quan liên quan, các địa phương liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai minh bạch, tạo thống nhất và minh bạch trong nhân dân”.
Vị Đại biểu đoàn Phú Thọ cũng cho rằng, cần xác định những nội dung chưa có trong Luật, xác định tiêu chí, tránh cơ chế xin cho. Trên cơ sở đó, tổng kết khung pháp lý. Đồng thời, cũng nên chú trọng phân cấp, phân quyền, hạn chế phân bổ thêm nguồn lực của trung ương.
“Cũng cần làm rõ, những địa phương được đặc thù có hơn, có khác không? Đóng góp cho đất nước thế nào?”, đại biểu Chung đặt vấn đề.
Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì cho rằng, phân loại theo tiêu chí điều tiết ngân sách, trước quý I/2021 có 16 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về Trung ương, trong đó có Hà Nội, 4 thành phố trực thuộc Trung ương… Thời gian qua các địa phương này có kiến nghị giãn tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Tạo cho rằng cần quan tâm đến nhóm địa phương có quyết tâm chính trị cao, đã có nghị quyết về địa phương phấn đấu đến năm 2025 tự cân đối về ngân sách, đến năm 2030 có thể điều tiết ngân sách cho Trung ương. Đây là những địa phương rất cần có những chính sách đặc thù giúp rút ngắn thời gian tự cân đối ngân sách hoặc điều tiết ngân sách về Trung ương.
“Ngân sách Nhà nước dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới đây do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó việc điều tiết ngân sách theo quy dịnh của Luật Ngân sách là hết sức vất vả. Tấm chăn ngân sách Nhà nước kéo bên này khi co lại phía bên kia, co lại bên kia thì bị kéo lại phía bên này”, đại biểu Tạo bày tỏ.
Đề nghị lùi thời điểm
Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đưa ra quan điểm, điều quan trọng là phải đặt cơ chế chính sách trong tổng thể nền kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ. Trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương thì chỉ có Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được trao cơ chế chính sách đặc thù. Trong khi nguồn lực Quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề.
“Tại sao không trao cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng?”, đại biểu nêu câu hỏi.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) thì cân nhắc lưu ý điểm dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách; đồng thời mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế cả nước, không chỉ riêng địa phương nào.
Do đó, xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi dàn trải đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu ngân sách, tạo gánh nặng cho ngân sách Trung ương, ảnh hưởng đến điều tiết và phân bổ ngân sách Trung ương đối với các địa phương khác.
“Tôi đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, đại biểu nêu quan điểm.
ĐBQH Lê Thanh Vân: Trừ Luật Thủ đô ra, 62 tỉnh thành còn lại chung nền tảng pháp lý, nếu không tạo hành lang riêng thì khó có thể kích hoạt lợi thế, tiềm năng mỗi địa phương, nên phải tạo cơ chế bằng thí điểm này.
Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố
Theo báo cáo tóm tắt thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách Thành phố và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, chính sách này tương tự như chính sách thành phố Hải Phòng đã và đang được hưởng theo Nghị định số 89/2017/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng và cũng tương tự như chính sách đang được áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định điều kiện được hưởng khi“ngân sách trung ương không hụt thu” là chưa bảo đảm thống nhất với cơ chế mà thành phố Hải Phòng đang thực hiện theo Nghị định 89/2017/NĐ-CP. Do vậy, đề nghị quy định như Nghị định 89/2017/NĐ-CP mà thành phố Hải Phòng đang được hưởng.
Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An: Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Đa số ý kiến tán thành với quy định này nhằm góp phần bổ sung thêm nguồn lực cho Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An để thực hiện tốt hơn nữa tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các địa phương này. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc tính hợp lý của việc đề xuất ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương này vì có thể dẫn đến việc lập dự toán thấp, không sát với thực tế để được hưởng số tăng thu.
Đối với tỉnh Thanh Hóa: hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Đa số ý kiến cho rằng, việc bổ sung nguồn lực để góp phần hoàn thành việc di dân tái định cư, tăng cường thu hút đầu tư vào các dự án, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho Khu kinh tế Nghi Sơn là nhu cầu cần thiết hiện nay đối với tỉnh Thanh Hóa và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý để quy định chặt chẽ, bảo đảm hợp lý, hài hòa, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì có thể dẫn đến việc lập dự toán không sát thực tế để hưởng số chênh lệch tăng thu.
Xem thêm: "Nâng trên đỡ dưới" nhìn từ việc thí điểm cơ chế đặc thù