Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm chống lại “virus trì trệ"?

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm chống lại “virus trì trệ"?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 5, 17/12/2020 11:47

Có ý kiến cho rằng, việc chưa có cơ chế bảo vệ tư duy đổi mới, sáng tạo là một trong những nguyên nhân tạo nên “virus trì trệ” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Virus trì trệ” là một “căn bệnh” đang xuất hiện ở đội ngũ cán bộ, công chức và cũng chính là môi trường nảy sinh tư tưởng không dám nghĩ, không dám làm, dám đổi mới… 

Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo văn kiện trình đại hội XIII của Đảng, chiều 10/11, ông Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: “Vừa qua, sau một loạt vụ việc xảy ra, hầu hết cán bộ, đảng viên gần đây đều xác định cố gắng làm tròn vai và xác định là tròn thì lăn được, còn đâu nếu vuông thì cứ đứng yên một chỗ, không cẩn thận là nhiều chuyện phức tạp. Nói dân dã là vậy”.

Ồng Hải cũng cho rằng, trong đổi mới sáng tạo và đột phá thì giữa đúng và sai "vô cùng mong manh", nếu như không bảo vệ được cán bộ, sẽ không nhiều người dám sáng tạo, đổi mới.

Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội dẫn chứng, sáng 10/11, HĐND TP.Hà Nội triệu tập phiên họp bất thường thông qua kế hoạch đầu tư công. Tại hội nghị, nhiều nội dung đã phân cấp cho quận, huyện quyết định, "nhưng nhiều nơi vẫn sợ, xin ý kiến HĐND thành phố cho chắc". Điều này khiến tỷ lệ giải ngân của TP.Hà Nội thời gian qua thấp, đến nay mới đạt hơn 50%. Ông Hải cho rằng, vấn đề trên hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế và công tác cán bộ.

Diễn đàn - Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm chống lại “virus trì trệ'?

Ảnh minh họa.

Việc hàng loạt quan chức bị xử lý vừa qua có tạo ra tâm lý ngại nói, ngại làm, ngại chịu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ hiện nay đó là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng nhận định: "Thời gian qua, quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và xử lý các tiêu cực của cán bộ, đảng viên được làm đến nơi đến chốn, không có vùng cấm. Rất nhiều vụ việc bị đưa ra xử lý thời gian vừa qua đều có chung một vi phạm rất quan trọng là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Từ đầu nhiệm kỳ đại hội XII đến nay, hơn 70.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chưa bao giờ chúng ta xử lý nhiều cán bộ như vậy. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Quan trọng đó là củng cố niềm tin của nhân dân; cảnh báo, cảnh tỉnh để những cán bộ đảng viên tránh khỏi những sai lầm.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, chúng ta quyết tâm chống tham nhũng và sau hàng loạt vụ việc xảy ra, nhiều cán bộ, đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo. Nhiều cán bộ, đảng viên gần đây xác định làm tròn vai hơn là đột phá, dám đổi mới. Chính vì thế, chống tham nhũng phải làm sao để đẩy lùi được thoái hóa biến chất nhưng đồng thời kích thích, khơi dậy được sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể có tiềm lực để phát triển mạnh hơn".

Tuy nhiên, có luồng ý kiến cho rằng, đổi mới sáng tạo giữa đúng và sai rất mong manh, nếu không có cơ chế bảo về cán bộ- đó cũng chính là rào cản khiến “virus trì trệ” đang lan rộng. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ: "Trong bối cảnh hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ dẫn đến ranh giới giữa đột phá và sai lầm, giữa đúng và sai rất mong manh. Khi cán bộ đổi mới, sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại.

Người ta hay nói là “không làm thì không sai, làm nhiều thì sai nhiều”, đấy là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều người không tự tin làm quyết liệt. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng người tốt không được bảo vệ, dễ bị cô lập dẫn đến việc cán bộ ngại va chạm, ngại đổi mới và trì trệ trong công việc".

Trong một phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc đến “virus trì trệ” và đặt câu hỏi “virus trì trệ” ở đâu? Thủ tướng cũng lý giải “virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”. Nói như vậy để thấy rằng, cán bộ ngại đổi mới sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ trong công việc. Theo PGS. Phúc, bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ đó khơi dậy tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ vì dân, vì nước.

Đồng thời ông Phúc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. "Kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới cho thấy, chính sách khuyến khích, bảo vệ người có năng lực, dám nghĩ, dám làm là cơ sở vững chắc để đội ngũ cán bộ an tâm phấn đấu, phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của mình vào hoạt động của tổ chức. Trong bối cảnh đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, phát triển và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư càng đặt ra yêu cầu và đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn. Cơ chế bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển là một vấn đề rất quan trọng - Đó là một trong những điểm có ý nghĩa đột phá trong công tác cán bộ trong thời gian tới", ông Phúc nhấn mạnh.

Nếu có cơ chế khuyến khích và bảo vệ, một người cán bộ có bản lĩnh sẽ dám đứng lên góp ý về những hạn chế, chỉ trích những sai phạm, yếu kém của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Do vậy, dưới góc độ này, cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ còn được xem là một phương thức hữu hiệu giúp cho người cán bộ đó bộc lộ năng lực, phẩm chất bằng những tham góp sáng tạo, đột phá.

Theo đó, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng nêu kiến nghị phải kiên quyết bảo vệ và có cơ chế đủ mạnh để bảo vệ những người làm đúng, dám làm với động cơ trong sáng. Người dám làm thường phải chấp nhận rủi ro nhất định và về mặt luật pháp không chắc chắn lắm nhưng quan trọng nhất là họ làm việc đó vì lợi ích chung.

Đây chính là yếu tố để các cơ quan Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cũng như những người lãnh đạo đánh giá động cơ, mục đích việc làm của cán bộ, đảng viên. Các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét, nhìn nhận khách quan, nhiều chiều. Có tình huống buộc cán bộ phải làm như vậy, thậm chí có thể có những sai sót về mặt thủ tục nhưng mục tiêu đúng, động cơ tốt, kết quả tốt thì phải đánh giá và khuyến khích động viên họ; trường hợp nào cố tình sai thì phải xử lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc xử lý cán bộ khá nhiều như hiện nay phải xem xét ngoài việc cán bộ suy thoái, biến chất còn là chuyện cơ chế quản lý của chúng ta, sơ hở, bất hợp lý để dẫn đến tình trạng như vậy? Khi xảy ra việc gì cần đánh giá rất công bằng, cán bộ sai ở chỗ nào, hoàn cảnh chỗ nào, cơ chế ở chỗ nào. Từ đó có điều chỉnh rồi đưa ra những biện pháp, giải pháp phù hợp. Bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải dựa trên các tiêu chí, điều kiện, quy trình cụ thể, rõ ràng để phân biệt giữa hành vi đột phá, quyết đoán vì lợi ích chung nhưng mắc sai lầm, khuyết điểm với những sai lầm, khuyết điểm tương tự nhưng vì lợi ích cá nhân.

Theo quan điểm của tôi, cách bảo vệ cán bộ, đảng viên tốt nhất, hiệu quả nhất là chủ động ngăn ngừa rủi ro, sai sót ngay từ khi cán bộ mới xây dựng kế hoạch dám làm, dám đột phá. Yêu cầu đặt ra là phải vừa xây dựng được quy trình bảo vệ cán bộ hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vừa không làm mất quyền dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên.

Hương Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.