"Cò" dịch vụ từ A đến... Z
Tại điểm đăng ký làm thủ tục sang tên đổi chủ thuộc phòng CSGT (86 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai bên đường chật kín các phương tiện, từ ô tô đến xe máy, từ siêu sang đến bình dân. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một chỗ gửi xe cách đó gần 100m. Tạt vào một quán trà đá đối diện trụ sở phòng CSGT, chúng tôi được chứng kiến cuộc "ngã giá" chớp nhoáng giữa một người dân đến làm thủ tục và bà chủ quán kiêm... "cò mồi".
"Giá chung dành cho ô tô là 500 nghìn đồng. Đảm bảo xe của anh được sang tên đổi chủ như ý. Anh chỉ việc ngồi chơi xơi nước, chiều nay, em giải quyết xong cho anh. Hẹn anh cuối giờ chiều em gửi lại kết quả" - bà chủ ngoại tứ tuần quả quyết. Vậy là, sau cả buổi sáng chật vật xếp hàng làm thủ tục mà không đến lượt, chủ chiếc xe Honda Civic bèn giao "vận mệnh" cho bà chủ quán nước. Anh này tặc lưỡi: "Mất tiền mà được giải quyết nhanh còn hơn cứ chôn chân ở đây cả buổi!".
Trong vai một khách hàng cần làm thủ tục, PV đặt vấn đề với bà chủ quán, muốn làm thủ tục sang tên cho chiếc xe ô tô mang biển tỉnh lẻ. Đắn đo một hồi, chị này "chốt hạ": "Trường hợp của em hơi khó đấy. Sáng nay cũng có vài người hỏi chị nhưng chị đều từ chối. Bọn chị chỉ nhận sang tên đổi chủ khu vực Hà Nội thôi!".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ chán nản, chị này bật mí: "Nếu em thực sự cần gấp, chị có thể giới thiệu cho em một người bạn của chị nhưng giá sẽ "chát" đấy. Ít nhất phải 7 triệu đồng họ mới làm (!?)". Khi chúng tôi thắc mắc về mức giá trên, chị này giải thích: "Biển số của em là tỉnh lẻ nên phải liên lạc với công an địa phương đó để xác minh thông tin. Việc này hoàn toàn không đơn giản đâu. Ai biết xe đó nguồn gốc thế nào, em trực tiếp mua xe còn chẳng biết chủ huống hồ bọn chị ở Hà Nội này. Làm thủ tục cho xe ngoại tỉnh sẽ mất khoảng 10 ngày, nếu em đồng ý chị sẽ giới thiệu cho".
Rất đông người dân đang đợi để được sở hữu "xe chính chủ". (Ảnh Thành Long)
Bên cạnh lực lượng "cò", các chủ quán dọc khu vực này cũng tranh thủ "chặt, chém" người dân đến làm thủ tục. Theo tìm hiểu của PV, xe máy được thu giá 5.000 đồng/lượt, xe ô tô giá 30.000 đồng. Dù vô cùng bức xúc nhưng người dân buộc phải gửi xe với giá cắt cổ vì không còn chỗ trống để đậu xe.
"Khám xe", nộp hồ sơ cũng... mất tiền!?
Sau khi tìm hiểu vòng ngoài, chúng tôi tiến gần về phía cổng phòng CSGT lân la hỏi chuyện một số người dân đang làm thủ tục. Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Minh Tuân (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại: "Sau khi khai vào tờ khai sang tên đổi chủ, chúng tôi được một người đàn ông tên L. làm thủ tục "khám xe". Thực chất là kiểm tra số khung, số máy... xem có khớp với tờ khai không. Nếu "Ok", cán bộ này sẽ ký vào tờ khai để chúng tôi tiến tiếp vào cửa sau".
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, anh Tuân tiết lộ: "Để thủ tục được nhanh chóng, chúng tôi thường kẹp vào phía dưới hồ sơ 100 nghìn đồng đưa cho người này để... bồi dưỡng!?".
Anh Tuân cũng cho biết thêm: "Qua cửa "khám xe" mọi việc không phải đã trót lọt cả đâu. Vào đến cửa tiếp nhận hồ sơ, lại phải kẹp tiếp 100 nghìn đồng nữa. Nhìn thấy thế họ mới nhận hồ sơ và giải quyết nhanh cho mình!?".
Không khó để nhận thấy, một số người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ đã có hành động kẹp từ 100 đến 200 nghìn đồng vào hồ sơ để nộp cho cơ quan chức năng. Họ "lý giải" rằng, vì chờ đợi quá lâu nên làm như vậy để thủ tục được nhanh hơn!? Tuy nhiên, có một thực tế dễ nhận thấy là có rất nhiều người nộp hồ sơ từ sáng mà đến tận trưa vẫn không xong việc.
Các "cò" không chỉ hoạt động công khai tại khu vực gần điểm đăng ký phương tiện mà trên nhiều trang mạng, PV dễ dàng tìm được những đoạn quảng cáo về dịch vụ sang tên đổi chủ. Chủ nhân của những đoạn rao vặt này không quên kèm theo địa chỉ và số điện thoại để liên lạc.
Họ đều khẳng định, trình tự thủ tục làm giấy tờ xe chính chủ được tiến hành hợp pháp, gọn nhẹ tiết kiệm thời gian. Dù cơ quan chức năng đã khẳng định, chỉ làm thủ tục cho những người xuất trình được CMND nhưng không hiểu vì sao "cò" vẫn có đất để "lách"?.
Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu
Lý giải cho những thông tin trên, trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện (phòng CSGT, công an TP.Hà Nội) khẳng định: "Chắc chắn không ai khuyến khích, tạo điều kiện, bao che cho những đối tượng "cò" tiếp cận với chủ xe để thực hiện việc đó. Những thông tin mà người dân phản ánh về việc một số trường hợp chi tiền "bồi dưỡng" nọ kia cũng không chính xác. Phòng đã quán triệt, sẽ xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm".
Trước những phản ánh của PV, trung tá Đinh Thanh Thảo cũng cho biết, rất hoan nghênh ý kiến đóng góp và phản ánh kịp thời của PV. "CSGT Hà Nội cũng tăng cường tối đa cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn người dân làm thủ tục. Đặc biệt, phòng CSGT cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, cảnh báo, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp "cò mồi" giải quyết thủ tục, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật" ông Thảo nhấn mạnh.
TP.HCM: Chưa xử phạt "xe không chính chủ" Chiều 17/4, Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết: Trong những ngày đầu tiên, lực lượng CSGT sẽ không dừng xe không chính chủ để kiểm tra, không xử phạt ngoài đường về lỗi vi phạm này. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT khi phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm trật tự an toàn giao thông mà không đúng tên trong giấy đăng ký xe, người vi phạm khai xe là của vợ, chồng, cha mẹ, con cái…, sau đó đến ngày hẹn xử lý vi phạm nếu người vi phạm chứng minh đúng là xe thuộc các trường hợp của người thân thì CSGT sẽ không xử phạt lỗi xe không chính chủ trong biên bản phạt. Trường hợp người vi phạm không thể chứng minh được thì sẽ bị xử phạt xe không chính chủ theo quy định của bộ Công an… |
Đức Hải