Có cơ chế đảm bảo dân được tiến cử

Có cơ chế đảm bảo dân được tiến cử

Thứ 2, 16/09/2013 13:53

"Vấn đề ở đây là cơ quan chuẩn bị nhân sự để đưa ra bầu có đảm bảo tính khách quan dân chủ hay không thôi. Cái gốc của vấn đề là đổi mới cơ chế nhân sự".

Trao đổi với PV Người lao động quanh việc đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND huyện, xã, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ nêu quan điểm, nếu đề xuất này được thông qua thì tốt. Những “quan xã” ngày xưa cha ông ta đã bầu mãi rồi. Vừa qua, khi bộ Nội vụ đề nghị thì cũng đã thí điểm bầu không chỉ trưởng thôn mà cả chủ tịch xã. Nếu người dân được trực tiếp bầu như vậy thì càng đề cao vai trò cá nhân, người đứng đầu.

"Nhiều người lo ngại việc này sẽ xảy ra lợi ích dòng họ thế nhưng theo tôi, không nên quá lo ngại vì đã có chế định để kiểm soát việc đó thông qua luật. Trong luật cũng đã quy định chế độ trách nhiệm, báo cáo, kiểm soát cụ thể. Ngay cả tiêu chuẩn để trở thành Chủ tịch UBND huyện, xã cũng đều có quy định cụ thể chứ không phải tự nhiên dòng họ nào muốn cử người ra mà được", ông Phúc nói.

Xã hội - Có cơ chế đảm bảo dân được tiến cử

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ.

Cũng theo ông Thang Văn Phúc, nhiều cán bộ trẻ hiện nay dù có năng lực, nhưng vẫn không được chú trọng vì cơ chế nhân sự của chúng ta chưa được tốt. Chưa có điều kiện để người tài vào được. Bây giờ, người dân hiểu biết rất rộng về nhiều vấn đề, họ biết lựa chọn người tài làm lãnh đạo, từ đó sẽ có lợi ích cho người nông dân. Thế nhưng, vấn đề ở đây là cơ quan chuẩn bị nhân sự để đưa ra bầu có đảm bảo tính khách quan dân chủ hay không. "Cái gốc của vấn đề là đổi mới cơ chế nhân sự. Phải có cơ chế để đảm bảo dân được tiến cử. Các tổ chức được tiến cử xong mới đưa ra lựa chọn, rồi đưa ra bầu. Riêng cấp ủy không lựa chọn cũng là một phần thôi, sau này cấp ủy là người cuối cùng lựa chọn ai trong số những hình thức giới thiệu", ông Phúc nói.

Cùng nhìn nhận về vấn đề này, nguyên ĐBQH tỉnh Bắc Giang, ông Đỗ Trọng Ngoạn nói: "Bây giờ người ta muốn dân chủ trực tiếp nhiều hơn. Cán bộ trẻ đáng được coi trọng".

Trước đó, Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội thực hiện khảo sát với 800 người, bao gồm đại biểu HĐND, thành viên UBND và cán bộ, công chức đang làm việc tại HĐND và UBND các cấp, người dân 5 địa phương chọn điểm theo phương pháp ngẫu nhiên của cơ quan tổ chức hội thảo. Việc khảo sát đề cập đến sự tham gia của người dân trong quá trình quyết định việc thay đổi về đơn vị hành chính, qua tham vấn ý kiến hoặc trưng cầu ý dân... Sau khi có kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án về mô hình chính quyền địa phương. Phương án thứ nhất để phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn. Ở các tỉnh, chính quyền địa phương có ba cấp, trong đó mỗi cấp có HĐND và cơ quan hành chính. Ở thành phố lớn trực thuộc trung ương có cả quận và huyện, không thiết lập HĐND ở quận nhưng vẫn cần thiết lập HĐND huyện và xã, phường. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã,  thành phố/thị xã do người dân bầu trực tiếp. Phương án hai là việc thành lập chính quyền địa phương các cấp do luật định.

Yến Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.