Kiên trì tìm đường đến trường
Linh đậu vào khoa nông học Trường đại học Nông lâm TP HCM. 14 năm trước, cô cũng thi đậu vào chính khoa đó, trường đó nhưng không có tiền đi học. Linh nhớ: “Hồi đó nghe mẹ nói không có tiền cho mình đi học, mình giận mẹ cả tháng trời. Mẹ nói nhà nghèo, con gái học nhiều làm gì, lo kiếm chuyện làm rồi lấy chồng, sinh con”. Biết kết quả thi đậu tháng trước, tháng sau Linh đã soạn đồ đi Sài Gòn.
Thu xếp thuê nhà trọ xong, Linh về quê ôm lên toàn bộ sách vở. Cô xin vào làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, lương cơ bản, cộng thêm tiền tăng ca chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Vậy mà ngay lúc đó, Linh đã nghĩ đến chuyện phải để dành tiền để học đại học. Ngày nào cũng vậy, để đỡ tốn kém, Linh toàn đi chợ tối. Khu chợ tự phát trước cổng Khu chế xuất Tân Thuận thường nhóm họp vào buổi chiều khi công nhân tan ca. Linh chờ cho tới tối khi chợ vãn, người bán đã sắp dọn đồ về mới tới mua.“Nhờ vậy nên mình mua được đồ rẻ lắm. Có bữa người ta vừa bán vừa cho. Dĩ nhiên là đồ ăn thì không được tươi nữa” - Linh kể.
Vừa đi làm vừa dè sẻn từng đồng một, thấm thoắt được sáu năm. Trong sáu năm đó, năm nào Linh cũng nộp hồ sơ đăng ký thi vào Trường đại học Nông lâm TP HCM. Đi làm từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, về tới phòng trọ là mệt rã rời. Chưa kể cứ hai tuần lại phải đổi qua làm ca đêm từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng hôm sau. Thời gian học không có, tiền để dành chưa đủ, thế nhưng không hiểu sao năm nào tới kỳ tuyển sinh là mình lại nôn nao, lại đạp xe tới trường mua hồ sơ về ghi rồi đi nộp, nộp rồi lại buồn hiu nhìn ngày thi trôi qua và tự an ủi mình: thôi, để năm sau!”.
Làm việc vất vả, thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng Linh lại rất thích đọc sách. “Mỗi lần tan ca về, bụng thì đói nhưng cô hay ghé nhà sách. Cô mua đủ loại sách: sách học luyện thi, sách văn hóa, sách y học, nông học, sách học ngoại ngữ, từ điển bách khoa, sách nấu ăn, sách dạy làm người... Hằng đêm, trong căn phòng trọ nhỏ Linh ôm sách đọc cho tới khi buồn ngủ nhíu mắt.
Lần đầu tiên, ở tuổi 32, Linh đã thực hiện được giấc mơ mình ấp ủ bao năm nay. |
Làm được sáu năm ở Khu chế xuất Tân Thuận, khi đã tích cóp được chút đỉnh, Linh quyết định dồn sức ôn luyện để đi thi. Suốt một năm liền sau giờ đi làm ở xưởng, Linh tự ôn lại kiến thức. Cô còn đánh liều nghỉ việc để tập trung tối đa cho việc học với suy nghĩ: nghỉ làm, mình sẽ được lãnh tiền trợ cấp thôi việc. Chờ khi thi đậu, số tiền đó đủ để đóng học phí.
Không may năm đó Linh thi rớt. Mất việc, tiền trợ cấp thôi việc lãnh ra được hơn 10 triệu đồng thì đóng tiền phòng trọ hết gần phân nửa. Buồn quá, Linh rời thành phố về quê nội ở Bà Rịa - Vũng Tàu coi rẫy cho ba. Toàn bộ sách vở mua được trong ngần ấy năm gần 400 quyển, Linh thuê xe chở hết về quê. Giảng đường đại học vẫn còn xa ngái...
Ăn mì gói, nuôi ước mơ
Về quê, Linh có điều kiện coi sóc vườn rẫy, chăm tưới cây trái, mong muốn được đào tạo bài bản về nghề nông, đặc biệt là về cây trồng và ươm giống trở về cháy bỏng hơn trước. Một lần nữa, Linh trở lên Sài Gòn xin vào làm công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung. Một kế hoạch học tập được vạch ra bài bản hơn: dè sẻn hết mức, Linh để dành tiền mua được cái máy vi tính cũ để lên mạng tìm tài liệu tự học. Không những vậy, cô còn tự tìm các công thức trồng rau mầm, rau muống, cà chua, rau cải... rồi đi mua hạt giống về ươm trong khay nhựa, khay xốp.
Khu lưu trú công nhân Linh Trung thì chật, để rau bên ngoài sợ chuột phá, buổi tối Linh mang từng khay rau lên chiếc giường tầng nhỏ xíu của mình. Hai năm đi làm ở Khu chế xuất Linh Trung là hai năm Linh tiếp tục nộp hồ sơ thi vào Trường đại học Nông lâm như một cách nhắc nhở mình vẫn còn một mục tiêu chưa thực hiện được.
Làm hết hai năm, đến năm 2012 Linh xin nghỉ làm, đóng tiền đi ôn luyện thi. Không đi làm, không có lương, mọi thứ tiền nhà, tiền học, tiền ăn và sinh hoạt phí đều trông vào tiền trợ cấp thất nghiệp ít ỏi. Thời gian này, bữa ăn hằng ngày của Linh chỉ là mì gói. Lần đầu tiên tôi gặp Linh, cô đang trốn sau tấm màn trên chiếc giường tầng hai vào giờ ăn tối, ai gọi cũng không chịu xuống.
Bữa ăn chỉ toàn mì gói triền miên của Linh. Ảnh minh họa. |
Mấy cô bạn chung phòng nói: “Buổi chiều khi bọn em về góp tiền nấu nướng, ăn tối với nhau thì không thấy chị Linh động đậy gì, chỉ nằm im trên giường, màn kéo kín mít. Lát sau, chờ mọi người ăn xong hết, chị mới dậy nấu mì, có khi chị ấy còn ăn mì sống...”. Ăn mì gói, nuôi ước mơ, cuối cùng trong lần nộp hồ sơ đăng ký dự thi lần thứ 10, Linh mới dự thi và nhận được giấy báo trúng tuyển.
Cô công nhân trên giảng đường Đậu đại học, chưa hết mừng Linh đã phải lo xoay tiền đóng học phí và tìm việc làm mới. Đến thăm Linh vào ngày cuối tuần, bữa ăn của cô tân sinh viên vẫn chỉ là một quả trứng vịt chiên và tô canh su hào nấu cà chua. “Su hào này là su hào ế, có 1.000 đồng/củ. Mình mua chục củ, ăn được cả tuần rồi. Mình đã tìm được một công ty may thú bông có thời gian làm việc phù hợp cho mình vừa làm vừa học. Ngặt cái trước giờ mình toàn làm ở công ty điện tử, giờ xin vô công ty may phải thi tuyển tay nghề đầu vào. May mà hồi cấp II mình có học nghề may. |
Theo Tuổi Trẻ