Tình yêu không biên giới
Theo hồi ức của bà Natasa, cơ duyên để đưa bà đến với Việt Nam là chuyến đi công tác vào năm 1983. Bà Natasa Kraevskaia được tín nhiệm như một thiên sứ có sứ mệnh mang vẻ đẹp của văn học Nga đến với con người Việt Nam.
Bà được cấp trên bổ nhiệm làm việc tại viện Puskin - Hà Nội. Bà Natasa tâm sự rằng, lúc đó chỉ nghĩ sau khi hoàn thành công tác lại sẽ quay trở về quê hương chứ không nghĩ rằng chuyến đi này sẽ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của mình.
Bà Natasa Kraevskaia nhớ lại, trong chuyến đi năm đó, một người bạn Việt Nam có nhờ bà mang một món quà về tặng cho người bạn tại số nhà 30, phố Hàng Bông, Hà Nội. Khi đến Việt Nam, bà tìm đến ngôi nhà này và tự tay trao lại món quà cho họa sĩ Vũ Dân Tân.
"Tôi bước vào nhà nhưng gần như bị hút hồn bởi những bức họa rất đặc biệt nên quên cả sứ mệnh mang quà. Sau khi lấy lại được bình tĩnh, cuộc chuyện trò mới diễn ra giữa tôi và họa sĩ Dân Tân. Do bất đồng về ngôn ngữ nên cuộc trò chuyện rất khó khăn, chủ yếu bằng cử chỉ và hành động. Nhưng không hiểu sao mọi thứ suôn sẻ đã kéo chúng tôi ngồi được hàng giờ, không cần nói mà cũng hiểu được người đối diện muốn nói gì". Bà Natasa Kraevskaia xúc động nhớ lại.
Bà Natasa Kraevskaia.
Sau cuộc gặp mặt, hai người trở thành đôi bạn tâm đầu ý hợp. Cũng từ đó, họ hẹn hò và gặp gỡ nhau thường xuyên. Rồi đến một ngày, hai trái tim nghệ sĩ đã xao động, họ đã yêu nhau thắm thiết. Nhưng lúc đó với người Việt Nam mà ngay cả người Nga, việc kết hôn với người nước ngoài có rất nhiều rào cản từ văn hóa cho đến thủ tục hành chính. Do đó, để yêu nhau và trở thành vợ chồng, bà Natasa và họa sĩ Dân Tân phải vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn.
Bà Natasa tâm sự rằng, nhờ có mẹ chồng tuyệt vời, hướng dẫn và bảo ban nên mọi sự khác biệt về văn hóa không trở thành rào cản để bà hoàn thành sứ mệnh làm vợ, làm dâu.
Ngồi bên cạnh cô con dâu hiếu thảo, cụ Mai Ngọc Hà tâm sự rằng, Natasa Kraevskaia rất nhanh và khéo. Cô có thể nấu được nhiều món ăn Việt Nam, thậm chí bà tự hào rằng nhờ con dâu bà còn thưởng thức được các món ăn truyền thống Nga. “Con dâu tôi là một người phụ nữ đặc biệt, rất giàu tình yêu thương và quý trọng mọi người”.
Làm dâu nghệ thuật
Là một nhà nghiên cứu văn học chuyên nghiệp nên bà hiểu được vai trò, vị trí của bố chồng mình, kịch gia nổi tiếng Vũ Đình Long với nền văn học hiện đại Việt Nam. Chính vì lẽ đó nên bà ấp ủ, một ngày tự mình sẽ đi sưu tầm và biên tập chính những tác phẩm kịch của ông. Ý định này được bà cụ thể hóa vào năm 2009.
Sau những tháng ngày miệt mài đi tìm tư liệu, bà Natasa Kraevskaia đã tự mình biên tập lại những tác phẩm của bố chồng. Bằng sự chuyên nghiệp của một nhà nghiên cứu văn học lâu năm, cuối cùng tác phẩm, tuyển tập kịch Vũ Đình Long được hoàn thành.
Bà kể: "Sau khi biên tập xong, tôi đã đứng ra liên hệ với Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về cuộc đời, vai trò, vị trí sự nghiệp văn chương của kịch gia Vũ Đình Long trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Cuộc hội thảo khoa học diễn ra vào giữa năm 2009. Đây là cuộc hội thảo khoa học đầu tiên về kịch gia nổi tiếng này, đánh dấu sự thừa nhận rộng rãi về vai trò ông tổ của kịch hiện đại Việt Nam cũng như những đóng góp của ông trong việc đưa các tác phẩm văn học của nhiều nhà văn lớn đến với công chúng".
Từ khi người chồng, họa sĩ tài danh Vũ Dân Tân về bên kia thế giới, mọi gánh nặng của gia đình đều đặt lên vai của bà. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, hàng ngày, bà còn chăm sóc mẹ già, nuôi cô con gái ăn học, làm giảng viên tại khoa Quốc tế của đại học Quốc Gia Hà Nội.
Bà tự hào kể rằng, "Từ khi nhà tôi ra đi, tôi đã tự giám tác và xuất bản bốn cuốn sách về hội họa của chồng. Và cũng đến hơn 5 lần tôi mang tranh của chồng sang Úc, Nhật, Nga, Đức để triển lãm".
Trinh Phúc