Cô đơn trên... khán đài

Cô đơn trên... khán đài

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 01/01/2025 07:00

Báo chí và khán giả Việt rất thích thú với hình ảnh ở trận bóng đá Việt Nam Sigapore hôm nọ, giữa ken đặc khán giả Việt Nam ngút ngàn khí thế, đỏ rực kín mít các khán đài, trống phách liên hồi, thì duy nhất 1 khán giả Singapore, rất cô đơn giữa biển người ấy.

Ban tổ chức đã khá “tế nhị” khi xếp khán đài riêng cho khán giả Singapore, và chính vì thế mà anh chàng khán giả này lại càng nổi bật. Anh treo cờ tổ quốc mình lên lan can và cũng hò hét cổ vũ, như mình đang tự tin ở sân vận động nước mình.

Được biết anh chàng này tên là Ong Wee Hern, bay từ Singapore sang Hà Nội, rồi từ Hà Nội đi taxi lên Việt Trì để cổ vũ đội nhà.

Trong bóng đá, có 2 kiểu xem chính. Kiểu thứ nhất là xem mà... không xem, thậm chí có người suốt cả buổi đứng quay lưng lại sân đấu. Anh ta đứng quay mặt về phía người cổ vũ, bắt nhịp, chỉ huy vân vân. Và hàng ngàn người liên tục hô, phất cờ, đánh trống, làm bất cứ điều gì, tất cả những gì vụt đến trong cơn cảm xúc, bóng vào khung thành hay ra biên, ta thắng hay thua không quan trọng, quan trọng là họ được sống trong không khí bóng đá, được hết mình với bóng đá. Họ xem kiểu cổ vũ. 

Thế giới thế mà Việt Nam ta cũng thế. Tôi nhớ xưa có chơi với một cô, tôi khoảng 30 tuổi cô đã 60, cứ ra sân là cô hò hét, cô vỗ tay, vỗ... nắp vung. 

Có lần cô nhờ tôi: Cháu tìm cách liên hệ với cái anh chàng suốt trận cứ vác cờ chạy quanh sân Hàng Đẫy ấy, cô muốn thưởng cho cậu ấy ít tiền. Kiểu nữa là xem, im lặng xem, chăm chú xem, chìm đắm vào im lặng mà xem, một mình một ti vi, hoặc im lìm một góc khán đài.

Tôi là tín đồ xem kiểu này. Kiểu một thì xem xong mệt bã ra, có khi còn ngơ ngác hỏi, thế ai ghi bàn. Kiểu hai thì chìm đắm vào trận đấu, rất đau tim, nhất là xem trên ti vi, lúc nửa đêm, một mình một bóng, nhiều lúc như nghẹt thở. 

Cô đơn trên... khán đài- Ảnh 1.

Hình ảnh anh Ong Wee Hern một mình trên khán đài dành cho CĐV Singapore trên sân Việt Trì tối 29/12. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Mỗi lần xem bóng đá thế giới thường vào lúc nửa đêm về sáng giờ Việt Nam, tôi thường phải hết sức cảnh giác với những cơn thót tim bất ngờ. Nhưng nó rất thú, xem đông người là bị loãng ngay, một mình như thế, chăm chú vào từng đường bóng, từng cú ra chân, từng giọt mồ hôi... không bỏ sót một chi tiết nào.Nhưng như thế, cả 2 kiểu xem ấy, nó mới là bóng đá. 

Kể cả những sai sót của trọng tài, cả những tranh cãi bất tận sau trận đấu... nó chính là một phần của bóng đá, là bóng đá.Nên cái anh chàng cổ động viên rất cô đơn trên khán đài sân vận động Việt Trì kia, nó cũng là một phần của trận đấu, một phần của bóng đá, dù nó có vẻ hãn hữu.

Nó làm cho chúng ta yêu bóng đá hơn, hiểu bóng đá hơn, và yêu tình yêu bóng đá hơn. Chả phải ngẫu nhiên mà sau trận đấu, dẫu thua, cả đội tuyển bóng đá quốc gia Singapore đã cúi chào cám ơn cổ động viên đặc biệt này.

Và cũng không ngẫu nhiên mà, sau đấy, rất nhiều cổ động viên Việt Nam đã chạy sang chụp ảnh chung với anh chàng Ong Wee Hern này, vừa bày tỏ sự khâm phục tình yêu bóng đá, chính xác là tình yêu với đội tuyển bóng đá quốc gia của Ong Wee Hern, mặt nữa cũng an ủi chia sẻ với anh.

Ôi bóng đá, muôn ngàn cách thể hiện tình yêu của mình với cái môn thể thao khiến cả thế giới phải như lên đồng này. Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á (ASEAN Cup) kỳ này, đội tuyển Việt Nam chọn sân vận động Việt Trì làm sân nhà. Và, kỳ lạ, té ra là, dẫu sân địa phương nhưng ngoài chuyện khán giả rất đông thì ta còn thấy rất nhiều khán giả rất... xinh. Tất nhiên là khán giả nữ. Trời lạnh, các cô gái như những bông hoa rạng rỡ, xúng xính váy áo điểm xuyết trên các khán đài khiến sân vận động trở nên lung linh muôn hồng ngàn tía. 

Có những tờ báo làm hẳn phóng sự ảnh các bóng hồng xinh đẹp trên khán đài, nó làm cho bóng đá, môn thể thao sức mạnh, của cơ bắp, của mồ hôi, của huỳnh huỵch va chạm, của xấn xổ xô đẩy chen nhau... bỗng dịu dàng hẳn, mang một sắc thái khác, sắc thái trữ tình, ngọt ngào và cả những lâng lâng...

Tất nhiên ai cũng biết, bóng đá là một trò chơi, như mọi trò chơi mà con người nghĩ ra, dẫu nó là một trò chơi đẳng cấp, được gọi là môn thể thao vua, khiến hàng tỉ người trên thế giới đam mê, thì nó cũng chỉ là trò chơi...

Trẻ con Việt, thế hệ chúng tôi trở lên, ít người không biết đến những quả bóng bưởi, bóng giẻ với những trận quần thảo bụi mù ở những chân ruộng nứt nẻ còn đầy gốc rạ. Tướp chân bươu đầu sứt trán là chuyện bình thường. 

Và chả cứ trẻ con, chiều chiều rất nhiều dân làng tụ ở những “sân vận động ruộng” ấy xem trẻ con đá bóng, bình phẩm. Nhớ trước đấy, khi vẫn lẹt đẹt ao làng, bóng đá Việt Nam ban đầu là sợ Thái Lan, tiến lên sợ Indonesia, tiến tiếp sợ cả Singapore, cả Mã Lai vân vân. 

Tất nhiên những trận vừa rồi không có nghĩa là chúng ta đã... hết sợ, mà là, chúng ta sợ cái cần sợ, tin cái cần tin chứ không sợ lung tung mơ hồ đến díu chân lại không đá được.

Và trước mắt chúng ta bây giờ là 2 trận chung kết với Thái Lan, chúng ta lại sẽ có nhiều sắc thái xem, cổ vũ bóng đá, biến xem bóng đá thành ngày hội, và biến cái trò chơi kia thành một mê trận đam mê của cảm xúc và tình yêu. Và mới chợt nhận ra, vai trò của những trò chơi trong đời sống con người nó quan trọng đến như thế nào?

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.