Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 4, 23/04/2025 12:22

Trong bối cảnh cổ phiếu MCM đang có xu hướng giảm kể từ khi chuyển sàn, cổ đông Mộc Châu Milk đặt vấn đề liệu công ty có tính đến phương án mua lại cổ phiếu để cải thiện lợi nhuận trên mỗi cổ phần.

Sáng 23/4, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk; HoSE: MCM) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Tại kỳ họp lần này, cổ đông công ty sẽ xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch sản xuất kinh doanh, bầu Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2029,...

Bà Mai Kiều Liên không nhận thù lao tại Mộc Châu Milk

Tại sự kiện, ông Phạm Hải Nam - Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Mộc Châu Milk đã thông tin về thù lao và các lợi ích khác của HĐQT. Theo đó, Chủ tịch HĐQT Mai Kiều Liên không nhận thù lao trong năm 2024, trong khi các thành viên HĐQT còn lại nhận 8 triệu đồng mỗi tháng.

Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?- Ảnh 1.

Ban Chủ tọa điều hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Mộc Châu Milk.

Tiền lương bình quân của Tổng Giám đốc trong năm 2024 là 63 triệu đồng/tháng; mức lương trung bình của người lao động đạt 11,4 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt 2.917 tỷ đồng, giảm 7%. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Mộc Châu Milk còn 252 tỷ đồng. ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, bao gồm chi trả cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 20% ( tức 1 cổ phần nhận được 2.000 đồng) và được chia thành 2 đợt.

Bước sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.159 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 293 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,3% và 33,6% so với thực hiện năm trước.

Chia sẻ tại đại hội, ông Hoàng Văn Chất - Thành viên HĐQT đã thông tin về chính sách phân phối lợi nhuận năm 2025 với mục tiêu trả cổ tức cho cổ đông công ty tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, đồng thời trích quỹ khen thưởng phúc lợi 10% lợi nhuận sau thuế.

Theo báo cáo tài chính quý I/2025 vừa công bố, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu đạt 592 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù tích cực tiết giảm các khoản chi phí nhưng sau thuế, Mộc Châu Milk vẫn báo lãi tụt lùi về 47 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2025, Mộc Châu Milk mới chỉ hoàn thành 18% kế hoạch doanh thu và 16% mục tiêu doanh thu sau 3 tháng đầu năm.

Mộc Châu Milk trước cạnh tranh khốc liệt của ngành sữa

Tại phần thảo luận, một vấn đề được cổ đông công ty quan tâm đó là hiện giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất lịch sử công ty có dự định mua lại cổ phần để tăng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) lên không?

Theo tìm hiểu của PV, tại phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HoSE, cổ phiếu MCM có giá 44.000 đồng/cổ phiếu. Trong phiên sáng 23/4, cổ phiếu MCM dao động quanh khoảng 27.000 đồng/cổ phiếu - tức mất 38% giá trị so với ngày đầu chào sàn HoSE.

Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?- Ảnh 2.

Diễn biến thị giá cổ phiếu MCM.

Về vấn đề này, ông Phạm Hải Nam - Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, hiện nay, biến động giá cổ phiếu chủ yếu do thị hiếu mua bán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Công ty hiện đang sử dụng tiền để triển khai các dự án trang trại và nhà máy sữa. Ngoài ra, khi mua lại cổ phiếu sẽ phải làm thủ tục để giảm vốn điều lệ do đó, công ty chưa có kế hoạch mua lại cổ phiếu của chính mình.

Trước thắc mắc của cổ đông về giá cổ phiếu tham chiếu cổ phiếu của MCM trong phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE, Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết: "Giá tham chiếu khi chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE theo quy định của luật hiện hành là giá bình quân của 30 phiên giao dịch gần nhất trên sàn UPCoM. Công ty đã công bố bản báo cáo bạch niêm yết với đầy đủ thông tin, do đó biến động giá tăng/giảm là do giao dịch mua bán của của nhà đầu tư trên thị trường".

Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?- Ảnh 3.

Ông Phạm Hải Nam - Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Mộc Châu Milk.

Bên cạnh đó, trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, ông Phạm Hải Nam cho biết, theo thống kê, trên thị trường, do sức mua của toàn thị trường giảm chung nên là việc tiêu thụ các sản phẩm sữa hiện nay là đang bị sụt giảm.

"Đặc biệt là trong năm vừa qua, với sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng về sữa, cũng như là các sản phẩm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, cũng là sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường", ông Nam nói.

Vị này cũng cho biết thêm rằng, năm 2024, Mộc Châu Milk đã thay đổi để củng cố, tái cấu trúc lại, tái thiết lại hệ thống thị trường, do vậy cũng đã ảnh hưởng đến kết quả doanh thu của Mộc Châu Milk.

Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?- Ảnh 4.

Dây chuyền sản xuất sữa của Mộc Châu Milk.

Do đó, đại diện công ty đã chỉ ra hướng khắc phục tập trung vào củng cố, tái thiết hệ thống phân phối, marketing, truyền thông nhằm tăng sự nhận diện của sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới. Tuy nhiên với sản lượng như hiện nay của Mộc Châu Milk thì việc gia tăng tỉ lệ lợi nhuận từ 5-7% là phù hợp với thực tế cũng như là điều kiện kinh doanh của Mộc Châu Milk.

Liên quan đến những áp lực từ thị trường, ông Lê Hoàng Minh - Thành viên HĐQT nhận định, hoạt động kinh doanh của Mộc Châu Milk hiện không chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố quốc tế do chưa tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách thuế và tình trạng thu nhập người tiêu dùng giảm vẫn ảnh hưởng gián tiếp đến sức mua.

Cổ đông trăn trở vì giá cổ phiếu, lãnh đạo Mộc Châu Milk nói gì?- Ảnh 5.

Ông Lê Hoàng Minh - Thành viên HĐQT Mộc Châu Milk.

Về các dự án, Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, dự án nhà máy sữa công nghệ cao đã được phê duyệt về chủ trương nhưng đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai. Khi nào giải quyết xong, công ty sẽ tiến hành triển khai xây dựng nhà máy.

Công ty, cho biết dự án Nhà máy sữa công nghệ cao Mộc Châu đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng đối với các sản phẩm sữa theo xu hướng hiện nay.

Đối với thị trường, công ty cũng đang có kế hoạch cụ thể trong đó kênh GT sẽ định hướng bao phủ 22 tỉnh thành của miền Trung, miền Nam, kênh MT sẽ bao phủ các chuỗi trong thị trường miền Trung và miền Nam. "Về hướng xuất khẩu, hiện nay công ty vẫn đang làm việc và xúc tiến với các đối tác liên quan đến các thị trường ở ngoài Việt Nam", ông Nam nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.