Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Hiện nay, có 2 hình thức ly hôn là: Đơn phương và thuận tình.
- Ly hôn thuận tình: Là trường hợp cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, đã thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.
- Ly hôn đơn phương (Ly hôn theo yêu cầu của một bên): Là trường hợp vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn khi có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến mục đích hôn nhân không đạt được.
Khi ly hôn thuận tình, hai vợ chồng đã thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, về việc chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, về con cái…
Do đó, khi yêu cầu ly hôn thuận tình, hai vợ chồng có thể yêu cầu chia tài sản ngay trong đơn yêu cầu thuận tình ly hôn.
Với ly hôn đơn phương, vì không thỏa thuận được và do một trong hai vợ chồng gửi đến Tòa án nên đơn phương ly hôn sử dụng đơn khởi kiện. Theo khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính như:
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Tên Tòa án nhận và giải quyết đơn ly hôn
- Tên, nơi cư trú, làm việc của vợ, chồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo
- Quyền, lợi ích hợp pháp của vợ hoặc chồng bị xâm phạm, những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết như quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản, con chung…
Có thể thấy, trong đơn ly hôn đơn phương, vợ hoặc chồng cũng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề về chia tài sản chung vợ chồng.
Như vậy, dù là đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn thì vợ chồng đều có thể vừa yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt quan hệ hôn nhân vừa yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng.
Có được bổ sung yêu cầu chia tài sản khi đã nộp đơn ly hôn?
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.
Theo Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được bắt đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề sau đây. Trong đó có hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.
Khoản 1 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu như sau:
- Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
Và tại Khoản 7 Mục IV Văn bản 01/2017/GĐ-TANDTC có quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:
- Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
- Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.
Như vậy, Tòa án chấp nhận việc bổ sung yêu cầu chia tài sản nếu việc bổ sung yêu cầu trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Hoàng Mai