Từ cửa hàng mỹ nghệ
Ba mất sớm, tự lập từ năm lên 6, đi làm "osin" cho tới tận năm 16 tuổi để kiếm sống, ám ảnh về sự đói nghèo và thiếu thốn tình cảm là những điều mà người ta thường được nghe khi tìm hiểu về bà Dương Thanh Thuỷ (sinh năm 1961) - nữ doanh nhân sáng lập nên Tập đoàn Trung Thuỷ hiện nay.
Từng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ trên đường Đồng Khởi (Tp.HCM) nhưng thua lỗ, bà Thuỷ liều mình đi vay tiền để thuê một góc ki-ốt trên đường Nguyễn Huệ (Tp.HCM) ở tuổi 21.
Nhờ biết nhiều thứ tiếng nước ngoài, "nữ tướng" của Tập đoàn Trung Thuỷ nhanh chóng tích cóp được những khoản tiền lớn từ việc đổi hàng thủ công mỹ nghệ lấy bơ, thịt hộp, voska, nồi áp suất Nga rồi "phân phối" lại cho người dân.
Ngay khi có trong tay những khoản tiền đầu tiên, bà Dương Thanh Thuỷ đã bộc lộ rõ cái "duyên" của mình với bất động sản.
Ban đầu chỉ với ý định mua mua nhà để có mặt bằng mở cửa hàng ổn định nên bà Thanh Thuỷ đã đổ tiền vào nhiều căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Đông Du (Tp.HCM) vào thời điểm giá nhà còn rẻ.
Chỉ sau ít năm, giá nhà lên vùn vụt, những ngôi nhà mà bà Thuỷ "vô tình" sở hữu lại tăng giá trị lên gấp hàng trăm, hàng nghìn lần từ vài chục triệu lên hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên sau đó bà Thanh Thuỷ vẫn tập trung vào việc kinh doanh buôn bán, xây dựng lên cho mình thương hiệu Miss Áo Dài chuyên sản xuất, mua bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào năm 1997 và nhanh chóng trở thành thương hiệu uy tín đối với du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật.
Tới năm 2022, Công ty TNHH Trung Thuỷ - tiền thân của Tập đoàn Trung Thuỷ hiện nay được thành lập, hệ thống cửa hàng mỹ nghệ Miss Áo Dài cũng theo đó mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường phía Bắc.
Đến bất động sản
Mãi phải đến khi đã thành lập một doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, Tập đoàn Trung Thuỷ mới thực sự lấn sân sang bất động sản khi chính thức trở thành chủ nhân thắng thầu lô đất đấu giá đầu tiên của Tp.HCM, số 22 - 22 Bis Lê Thánh Tôn, Quận 1 và từ đó thương hiệu bất động sản với tên Lancaster chính thức ra đời.
Tọa lạc tại 22 Bis Lê Thánh Tôn, Quận 1, Lancaster Hồ Chí Minh được xem là một trong những công trình tiêu biểu tại con đường đắt đỏ nhất Sài Gòn.
Ngày 23/6/2008, Trung Thủy được nâng lên tầm cao mới khi chính thức được cấp giấy phép hoạt động mới với mô hình tập đoàn đa ngành từ bất động sản, dịch vụ spa cao cấp, nhà hàng, khách sạn…
Cũng trong năm này, Tập đoàn Trung Thuỷ "bắc tiến" ra thị trường bất động sản Hà Nội với việc phát triển dự án chung cư Lancaster tại số 20 Núi Trúc, Ba Đình.
Sau đó khu đất có địa chỉ tại 1152 -1154 đường Láng cũng "mọc" lên dự án chung cư cao cấp Landcaster Luminaire thuộc sở hữu của Tập đoàn Trung Thuỷ với diện tích hơn 6.000 m2 trên "đất vàng".
Trên đà phát triển, Trung Thuỷ tiếp tục mở rộng đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác như Lancaster Lincoln nằm tại mặt tiền Nguyễn Tất Thành, Quận 4; Lancaster Legacy tại số 78 Tôn Thất Thuyết; Khu căn hộ cao cấp – văn phòng – trung tâm thương mại (Quận 1, Tp.HCM)…
Ngoài bất động sản nhà ở cao cấp, Tập đoàn này cũng mở rộng sang phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với một số dự án như Khu Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (diện tích 100 ha); Khu du lịch Nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy tại Bình Thuận, Khu du lịch Nghỉ dưỡng Trung Thủy (Đà Lạt)…
Thâu tóm "đất vàng" thông qua liên doanh cùng doanh nghiệp nhà nước
Không còn là "vô tình" mua được nhà đẹp giá rẻ như thời điểm mới lập nghiệp, kể từ khi lấn sân sang kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, dường như Tập đoàn Trung Thuỷ đã tìm được lối đi đặc biệt cho riêng mình.
Để sở hữu loạt bất động sản nằm trên các vị trí đắc địa tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Tập đoàn Trung Thuỷ đã lựa chọn phương án thông qua việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện dự án.
Tại Tp.HCM, Tập đoàn Trung Thuỷ đã có mối lương duyên mật thiệt với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Với lợi thế là doanh nghiệp nhà nước, SAGRI có lợi thế lớn trong việc được giao đất đai với diện tích hàng ngàn ha, nguồn lực lớn từ vốn, cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí đất vàng...
Bằng việc hợp tác với SAGRI, Trung Thuỷ cũng đã thâu tóm thành công nhiều lô đất vàng tại Tp.HCM như Dự án cao ốc văn phòng 195 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh; khu đất 16.000m2 tại phường 13, quận Gò Vấp…
Tuy nhiên việc hợp tác của Trung Thuỷ và SAGRI cũng không mấy suôn sẻ khi năm 2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng - nguyên Tổng Giám đốc SAGRI sau hơn 1 năm phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty này trong giai đoạn ông Lê Tấn Hùng điều hành.
Trong nhiều sai phạm, cơ quan thanh tra Tp.HCM xác định SAGRI có sai phạm tại những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất "khủng" nhưng không xin ý kiến của UBND thành phố hoặc chưa được chấp thuận giao đất, chưa thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Trong đó, nhiều khu đất trong các thương vụ hợp tác thực hiện dự án giữa SAGRI và Tập đoàn Trung Thuỷ được Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ kết luận là sai quy định của pháp luật về việc "không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào".
Tại Hà Nội, đối tượng mà Tập đoàn Trung Thuỷ nhắm tới là Viện Nghiên cứu Da giầy, qua đó sở hữu "đất vàng" tại Núi Trúc và thành công hoàn thành việc xây dựng dự án The Lancaster Hà Nội vào cuối năm 2013.
Thông qua CTCP Tân Phú Long, Trung Thuỷ cũng đã rót vốn vào dự án tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê tại khu đất số 1152 - 1154 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa với tên thương mại Lancaster Luminaire.
Khu đất 1152- 1154 đường Láng trước đây là trụ sở của Công ty Giống cây trồng (nay là Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty Giống gia súc Hà Nội.
Sau khi qua tay hết "đời chủ" là Handico 6 tới Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), cuối cùng mảnh "đất vàng" từng thuộc sở hữu của nhà nước rộng hơn 6.000m2 này đã về tay Trung Thuỷ, đến nay đã hoàn thiện xây dựng xong công trình tổ hợp kể trên.
Vì nằm trên "đất vàng" ngay giữa lòng Thủ đô nên giá rao bán của dự án Lancaster Luminaire cũng không mấy "dễ chịu".
Đối với các căn hộ có diện tích nhỏ thuộc dự án đang được rao bán khoảng gần 80 triệu đồng/m2, các căn hộ có diện tích lớn giá bán trên 100 triệu đồng/m2 tương ứng mỗi căn hộ dao động từ 4 - 12 tỷ đồng.
Mới khởi động lại dự án đắp chiếu hơn 1 thập kỷ
Không chỉ tại Hà Nội hay Tp.HCM, Tập đoàn Trung Thuỷ cũng ghi danh mình tại Đà Nẵng với dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng (tên thương mại là Lancaster Nam Ô Resort) có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Dự án này về tay Trung Thuỷ kể từ năm 2008 do chính quyền Đà Nẵng xây dựng chủ trương hình thành dự án và chính thức phê duyệt quy hoạch vào năm 2010 với diện tích hơn 36ha ở làng Nam Ô.
Tuy nhiên do vướng phản đối của người dân về việc chủ đầu tư tự ý rào chắn lối đi xuống biển của người dân, dự án này đã "đắp chiếu" hàng chục năm trời mà không được triển khai xây dựng.
Mãi tới năm 2019, UBND Tp.Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, điều chỉnh diện tích giảm bớt diện tích hơn 10ha.
Tuy nhiên do vướng dịch Covid-19, dự án cũng chưa được triển khai. Phải tới hồi tháng 4/2023, Trung Thủy Đà Nẵng mới chính thức khởi động lại dự án sau nhiều năm đóng băng.
Để triển khai dự án Lancaster Nam Ô Resort, Tập đoàn Trung Thuỷ đã thành lập pháp nhân mới với tên gọi CTCP Trung Thủy - Đà Nẵng.
Theo công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty này ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt 788 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 1,95 lần, đồng nghĩa với nợ phải trả của công ty đang ở mức 1.536 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 890 tỷ đồng.
Đang gánh trên vai khoản nợ phải trả hơn 1.536 tỷ đồng, chủ đầu tư Lancaster Nam Ô Resort báo cáo kết quả kinh doanh bán niên năm 2024 chỉ lãi hơn 4 tỷ đồng.
Các năm trước đó, mặc dù kinh doanh không thua lỗ nhưng doanh nghiệp cũng chỉ lãi mỏng vài tỷ đồng mỗi năm.
Trên thị trường, công ty đang lưu hành duy nhất một lô trái phiếu TDNCH2225001 tổng trị giá 1.300 tỷ đồng đang lưu hành trên thị trường phát hành ngày 14/1/2022 với kỳ hạn 42 tháng, sẽ đáo hạn vào ngày 14/7/2025, kỳ hạn trả lãi của lô trái phiếu là 6 tháng/lần.
Sau 3 lần mua lại trước hạn, giá trị lưu hành của lô trái phiếu này hiện còn 897,9 tỷ đồng.