Tìm dược liệu chữa bệnh cho bố
Người mà chúng tôi muốn nói đến là ông Nguyễn Quốc Hương – Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề trồng nấm, ông Nguyễn Quốc Hương cho biết: "Khoảng 15 năm trước, khi tìm mua nấm linh chi – loại dược liệu quý để ngăn chặn căn bệnh quái ác cho bố, tôi nảy sinh ý tưởng tự trồng nấm cho người nhà uống để đỡ chi phí. Từ ý nghĩ đó, dần dà tôi học hỏi thêm về quy trình sản xuất các loại nấm để đưa ra thị trường”.
Năm 2007, ông Hương bắt đầu đi tìm hiểu và học hỏi cách trồng nấm từ các tỉnh phía Bắc rồi đưa về thử nghiệm trên mảnh đất quê hương và cho những kết tốt. Tuy nhiên, từ hoạt động thực tế, ông Hương nhận thấy, nếu chỉ làm thủ công rồi bán các sản phẩm thô thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Từ tháng 3/2016, vợ chồng ông Hương quyết định thành lập hợp tác xã để mở rộng sản xuất, liên kết với bà con cùng trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm.
Sau thời gian triển khai thành lập HTX, đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công và tìm tòi để cho ra những sản phẩm từ nấm, công việc sản xuất của ông Hương đã gặt hái được nhiều thành công, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người.
Theo ông Hương, việc thành lập HTX tạo điều kiện để ông liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Qua đó, ông cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu luôn sản phẩm cho 32 tổ hợp tác, tạo việc làm cho khoảng 425 lao động, trong đó, phần lớn lao động là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.
Dạy nghề và giải quyết việc làm cho nhiều người
Mỗi năm, HTX Tuấn Linh sản xuất 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm..., mang lại tổng doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, trong đó lãi đạt từ 15-20%.
Từ 100m2 tập trung trồng nấm linh chi, đến nay HTX đã mở rộng thêm diện tích gần 9000m2 trồng nấm sò, nấm rơm, mục nhĩ... Tại cơ sở chính ở xã Sơn Lộc, xưởng sản xuất nấm của vợ chồng ông Hương cũng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động là các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hoàng Thị Thảo (SN 1983), trú thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, làm việc tại HTX Tuấn Linh từ nhiều năm qua. Vốn là một người khuyết tật nên việc tìm một công việc thích hợp để tạo thu nhập thực sự là một vấn đề khó khăn. Nhưng nhờ có vợ chồng ông Hương mà chị đã được giúp đỡ, tạo điều kiện vào làm việc tại HTX. “Tôi thực sự biết ơn vợ chồng ông Hương đã nhận tôi vào làm. Nhờ vậy, mỗi tháng có tôi có 5-6 triệu, đủ trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học, hơn nữa là có việc làm thì tôi cũng bớt tự ti về bản thân hơn", chị Hoàng Thị Thảo tâm sự.
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, năm 2020, ông được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ Quảng Bình mời đi dạy nghề cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, ông Hương vừa phát triển kinh tế vừa trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Từ những buổi học đó, nhiều nông dân đã đứng ra thành lập hợp tác xã trồng nấm và được ông Hương nhận bao tiêu sản phẩm.
Ông Hương cũng cho hay, việc tiêu thụ sản phẩm luôn là bài toán khó với nhiều người dân khi muốn trồng nấm, do đó để cần có sự liên kết với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, qua đó tạo thương hiệu và ổn định lâu dài để tránh rủi ro.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, theo ông Hương với nghề trồng nấm thì không đòi hỏi phải đầu tư vốn quá lớn, việc chăm sóc cũng không quá cầu kỳ. Tuy nhiên, mỗi loại nấm đều có một kỹ thuật chăm sóc khác nhau, do đó cần kỹ càng ngay từ khâu làm phôi giống và nắm bắt môi trường sinh trưởng của nấm để mang lại hiệu quả.
HTX Tuấn Linh đã có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP tỉnh Quảng Bình. Trong 2 năm trở lại đây, HTX thành công trong việc sản xuất 2 loại giống nấm mới là nấm Kim Phúc và nấm Hoàng Đế, năng suất cao gấp 2 lần so với các loại nấm thông thường.
"HTX Tuấn Linh là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Bố Trạch, đi đầu trong việc xây dựng các chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện mở rộng liên kết để đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng nấm trên địa bàn, đồng thời tăng cường quảng bá để tiêu thụ các sản phẩm”, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết.