Có ế cũng không thèm lấy cử nhân quèn

Có ế cũng không thèm lấy cử nhân quèn

Thứ 2, 09/09/2013 13:15

Đã có mấy người đàn ông mà Duyên thấy được, cũng đã tính gật đầu tiến tới hôn nhân, nhưng cuối cùng vẫn quyết định thôi vì họ chỉ học đến đại học là hết.

Ế thì ế, phải cao học trở lên mới lấy
Hai tháng trước Duyên vừa đón sinh nhật lần thứ 36, nếu tính tuổi ta và tháng lẻ như các cụ thì cô đã thành... 38 tuổi. Duyên không xấu gái, tính tình tuy có hơi khó chịu nhưng bù lại, cô rất đảm đang tháo vát, và quan tâm chu đáo, chăm sóc không mệt mỏi những người cô dành tình cảm, lại có công việc tốt ở một trường đại học. Có một người vợ như cô có lẽ là điều may mắn., có điều đến nay Duyên vẫn chưa dành cái may mắn ấy cho ai để chính cô cũng được may lây.
Duyên có vài người say cô như điếu đổ, trong đó có cả "phi công trẻ". Cô thường xuyên được mai mối, giới thiệu người này người khác, đa phần là tương xứng với cô nếu cộng hết các điểm lại rồi so sánh. Nói chung, các chàng được giới thiệu cũng đều ưng Duyên và muốn đi xa hơn. Thế nhưng những anh chàng cô thích thì lại mắc một khuyết điểm không thể chấp nhận được, đó là học vấn thấp, chỉ lấy được mỗi cái bằng cử nhân là stop chuyện học hành. 
Trong khi đó, Duyên đã có bằng thạc sĩ từ lâu và đang làm luận văn tiến sĩ. Còn những anh chàng có bằng cấp tương xứng với cô và cũng đang tìm vợ thì lại làm cô phát ốm nếu không bởi tính gia trưởng, hợm hĩnh, hoặc thói ở bẩn thì cũng khiến cô ghê tởm bởi thói keo kiệt hoặc trăng hoa, mới quen mấy hôm đã lăm le đòi lên giường.
Bị nhiều người phê phán, thậm chí mỉa mai vì cái tiêu chí chọn chồng dựa vào bằng cấp, Duyên giải thích, không phải cô hám cái bằng, mà cái bằng nó đánh giá trình độ học vấn và ý chí phấn đấu của con người. Vợ chồng phải có học vấn tương đương mới nói chuyện được với nhau, vợ mà không kính trọng nổi chồng thì nhà sẽ loạn. 
Duyên bảo, cô là phụ nữ mà còn làm được đến tiến sĩ, vậy một người đàn ông có trí tuệ tương đương cô chẳng lý do gì không làm được cái thạc sĩ trừ khi anh ta lười biếng không chịu phấn đấu. Vả lại, cả nhà cô, từ bố mẹ đến các anh chị em, chẳng có ai dưới thạc sĩ cả, dâu rể cũng chẳng ai còm cõi mỗi cái bằng cử nhân. Người chồng của cô nếu học vấn thấp hơn sẽ lạc lõng trong gia đình, sẽ tự ti mặc cảm và điều đó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Xã hội - Có ế cũng không thèm lấy cử nhân quèn
Ảnh minh họa
"Mỗi lần gia đình hội họp, giỗ hay tết chẳng hạn, anh chị em đông đủ, anh ta sẽ thấy mình kém nhất trong nhà, sẽ thấy ê mặt khó chịu, và rồi giận cá chém thớt, mặt nặng mày nhẹ gây sự với tôi, sẽ có những cuộc cãi vã rất vớ vẩn làm mất tình cảm và hòa khí", Duyên giải thích.
Nhiều người bảo Duyên, thường dân nghiên cứu hay giảng dạy mới cố lấy bằng sau đại học, còn thì đại học cũng ngon lắm rồi, bao nhiêu người giỏi giang, thành đạt cũng đâu có bằng thạc sĩ, thậm chí nhiều người còn chưa có bằng cử nhân. 
Nghe thế, Duyên lắc đầu quầy quậy, bảo cô không tính những người đấy. Dâu rể trong gia đình cô nhất thiết phải là thành phần trí thức, là dân học hành. Cho dù những anh chàng từng bị cô từ chối nay đều đã vợ con đề huề, Duyên vẫn không sốt rột: "Không có chuyện vì mót lấy chồng mà tôi vơ đại một người đàn ông vớ vẩn nào đó".
Cũng như Duyên, chuyện hôn nhân của Hằng cũng muộn mặn vì chuyện bằng cấp của "đối tượng", nhưng người khăng khăng không phải Hằng mà là bố mẹ cô. Ông bà quá tự hào về cô con gái rượu của mình, người mới mười mấy tuổi đã rời nhà một mình lên thành phố học, vừa học vừa làm thêm mà vẫn có hai bằng cử nhân, một bằng thạc sĩ. Một đứa con gái như thế xứng đáng có một tấm chồng ra chồng, nghĩa là phải "cao hơn một cái đầu". 
Ông bố bảo: "Chiều cao của đàn ông tính từ đỉnh đầu lên đến trời. Vì thế, nó xấu cũng được, lùn cũng được, gia trưởng tí cũng được, nhà không giàu cũng chẳng sao, nhưng học vấn thấp hơn vợ là vứt đi". Khổ một nỗi con gái ông lại không mê anh nào lùn và xấu hay gia trưởng cả. Những "thằng" mà Hằng dẫn về trông đều sáng láng dễ coi, tính tình dễ chịu, mỗi cái tội bằng cấp thua con ông. Vì thế, ông dứt khoát không chịu.
"Thà rằng không có thằng nào học cao nó ngó đến mày thì tao cũng chấp nhận cho mày có chồng. Nhưng mà đầy đứa thông minh tài giỏi nó yêu mà mày không chịu, đừng hòng bắt tao chấp nhận một thằng cử nhân quèn làm rể", ông nối với con gái. Và thế là Hằng ở tuổi 32 vẫn chưa có chồng vì không muốn bất hiếu.
Lấy trai quê thì thà ở vậy còn hơn

Cũng kiên quyết đưa ra tiêu chí bắt buộc cho chồng tương lai, nhưng với Linh, 34 tuổi, sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tiêu chí đó lại là nguồn gốc xuất thân. 
Chồng của cô dĩ nhiên không thể là người chưa tốt nghiệp đại học, xấu trai hay kinh tế tầm tầm được, vì bản thân cô là con nhà giàu, cô xinh gái, thời trang, có công việc tốt, hoàn toàn xứng đáng với một anh chàng khôi ngô và thành đạt, nhưng như thế vẫn chưa đủ, anh nhất thiết phải là người Hà Nội, chí ít thì cũng sinh ra và lớn lên ở đất Tràng An, chứ không phải đến tuổi trưởng thành mới lê gót chân lấm bùn và giọng nói nhà quê lên thủ đô lập nghiệp. 
Linh nói: "Cho dù anh ta có giỏi làm ăn, rồi trở thành ông chủ, mua nhà to ở thủ đô thì hai chục năm sống ở quê đã đủ khiến cái chất quê nó ngấm vào máu rồi, dù có cố học và thích nghi thì cũng chỉ bớt đi thôi, chứ không có cái cốt cách thanh lịch, sang trọng của dân Hà Nội được. Lấy chồng giàu mà phong thái nhà quê thì người ta sẽ cười cho là vớ phải hạng trọc phú".
Theo chia sẻ của Linh, trước đây cô từng yêu vài người ngoại tỉnh. Dĩ nhiên đó phải là những anh chàng bô trai, ăn diện, nhà có tiền và ăn nói có duyên. 
"Thế nhưng cứ yêu được một thời gian, tôi lại thấy ở họ thòi ra những tính xấu đặc trưng nhà quê mà tôi chịu không nổi. Chẳng hạn, có anh chàng cấm tôi dùng nước hoa, bảo nó phù phiếm, mùi hương tự nhiên mới quý, có anh thì đi nhà hàng cứ lên mặt khệnh khạng với nhân viên phục vụ như chỉ anh ta có tiền, đúng là loại giàu mới nổi, góp ý mãi không chịu bỏ. Có anh bên ngoài mặc đồ khá đẹp, nhưng cái quần đùi thì vừa cũ vừa xấu, nói chung là không chấp nhận được", Linh cho biết.
Sau vài lần như vậy, cô rút ra kết luận là dù có cố học đòi thế nào, người sinh ra và lớn lên ở nhà quê, tỉnh lẻ cũng không bao giờ có được sự tinh tế, thanh lịch như dân Hà Nội được. Những người như vậy, dù có tốt, có giỏi thì khi chung sống cũng sẽ làm cô ngứa mắt, khó chịu, rồi mâu thuẫn nảy sinh sẽ làm mất tình yêu. "Mà không phải đợi đến lúc cưới rồi mới hết yêu đâu, mà nó hết ngay sau một thời gian yêu nhau rồi", Linh nói.
Cứ nghĩ rằng tiêu chuẩn trai Hà Nội chẳng có gì là khó, bởi bạn bè cô dù không đặt mục tiêu mà vẫn cưới trai thủ đô, còn cô thì có đủ mọi tiêu chuẩn. Nhưng ông tơ bà nguyệt oái oăm, bao nhiêu anh chàng mà Linh để ý, không có anh nào người Hà Nội cả, còn nhứng anh dân thủ đô thật thì cô lại không ưng, cứ thế cho đến nay khi bạn bè cô đều đã là mẹ hai con.
"Chẳng sao hết. Thời bây giờ phụ nữ độc thân vẫn có thể hạnh phúc. Nếu lấy trai quê thì tôi thà ở vậy còn hơn", Linh tuyên bố. Trông cô vẫn phơi phới, chẳng có vẻ gì là buồn vì ế chồng, cho dù bố mẹ thì như ngồi trên đống lửa, gặp cô bạn nào của con cũng nhờ vả: "Cháu khuyên cái con dở hơi ấy giúp bác với, quê với chả tỉnh. Bố nó cũng dân nhà quê đấy chứ ai".
Còn bố Linh, khuyên con gái không được, nhiều lúc bực mình, ông bảo: "Trai quê nó thèm vào lấy mày. Người ta lấy là để làm vợ, chứ có phải để thờ đâu mà cần một bà cô chảnh chọe. Mày cũng đầy tính xấu mà người ta phải cố chấp nhận đấy con ạ". Ông bố này luôn lo lắng, rằng con gái ông phải đến tuổi 40 (cũng không còn lâu nữa) mới có thể đồng tình với bố mình, mà khi đó thì không còn sớm để tìm kiếm hạnh phúc nếu Linh không kịp tìm thấy một trai thủ đô đáp ứng được mọi tiêu chí của cô.
Văn Anh (Xzone/Tri Thức Thời Đại)
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.