Tử vong sau hơn 1 tuần phát bệnh
Ngày 8/7, ông Chu Trọng Trang, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là em P.T.C., trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn.
Bệnh nhân là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Khai thác thông tin dịch tễ được biết, ngày 26/6, bệnh nhân P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn vào ngày 27-28/6.
Sau khi thi xong, bệnh nhân P.T.C về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán: Viêm loét họng-Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu.
Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa.
Đến ngày 4/7, tình trạng bệnh nhân P.T.C không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hồi 14h44 ngày 4/7 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.
Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23h50 ngày 4/7 và tử vong trên đường về vào lúc 4h ngày 5/7.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về trường hợp bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán.
“CDC Nghệ An cũng cử đội phản ứng nhanh đến tại xã Phà Đánh, nơi ghi nhận ca mắc tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu”, ông Trang thông tin.
Xác định 119 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tử vong
Thực hiện điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định 7 trường hợp có tiếp xúc gần cùng bệnh nhân P.T.C tại phòng ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn.
Bao gồm: M.T.K (bản Phà Khốm, xã Phà Đánh); X.T.L (bản Quyết Thắng, xã Keng Đu); M.T.S (bản Phà Khảo, xã Phà Đánh); L.T.N (bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh); M.T.T (bản Piêng Hòm, xã Phà Đánh); M.T.D (bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu); M.T.B (bản Phà Khảo, xã Phà Đánh).
Trong các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân P.T.C ở ký túc xá thì có 2 người là M.T.S và M.T.B đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang.
Sau đó, em M.T.B cũng xuất hiện tình trạng đau họng và đã được hướng dẫn khai báo tại trạm y tế vào ngày 4/7. Đến nay, M.T.B đã được xét nghiệm với kết quả dương tính với bạch hầu.
Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân phân bố tại huyện Kỳ Sơn. Riêng ở huyện Tương Dương có 2 người, gồm: xã Mai Sơn (1 người), xã Lượng Minh (1 người).
Được biết, trong những năm qua, ở huyện Kỳ Sơn vẫn có xuất hiện các trường hợp mắc bệnh bạch hầu (năm 2017 ghi nhận 1 ca tại xã Mường Típ; năm 2021 ghi nhận 5 ca tại xã Hữu Lập; năm 2022 ghi nhận 2 ca tại xã Na Loi).
Bà Vi Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Phà Đánh cho biết, thời điểm này, ngành Y tế Nghệ An và địa phương liên quan đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, khử trùng, cách ly, cho uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh, hướng dẫn điều trị tại chỗ, truyền thông...
“Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện nay sức khoẻ đang ổn định và đang tự cách ly ở nhà. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục kiểm tra, nếu xảy ra vấn đề sẽ lập tức đưa đến Trung tâm y tế”, Chủ tịch xã Phà Đánh nói.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.