Từ khi còn ngồi ở giảng đường trường Đại học Lao động và Xã hội, Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, quê ở Bắc Giang) đã nuôi ý tưởng biến rác thải thời trang thành sản phẩm dùng được.
Sau này, ý tưởng đó được cụ thể hóa bằng những vải jean vụn hoặc những món đồ jean cũ để làm ra những sản phẩm sáng tạo, hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, lan tỏa thông điệp sống xanh tới cộng đồng.
Đến khi ra trường, cô không lựa chọn cho mình công việc theo chuyên ngành đã học mà là chọn con đường đi theo đam mê đầy chông chênh và vất vả. Hải Yến đã có những chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật xung quanh ý tưởng tái chế đồ jeans cũ thành sản phẩm mới cũng như những khó khăn mà cô gặp...
Cơ duyên nào đưa bạn đến với việc tái chế lại những chiếc quần jean thành túi xách, balo...?
Bản thân không xuất phát từ ngành thời trang tuy nhiên tôi lại có một niềm đam mê rất lớn với handmade cụ thể là mảng túi xách handmade. Vì vậy, dù trái ngành nghề đang học nhưng tôi cũng tự tìm tòi học hỏi may túi xách từ thời sinh viên. Chính đam mê ấy đã giúp tôi quan sát, học hỏi nhiều hơn để nâng cao gu thẩm mỹ cũng như sự sáng tạo cho bản thân.
Đặc điểm chính của đồ handmade nói chung là sự độc đáo không đụng hàng. Tôi luôn tìm kiếm những nguyên liệu để làm ra những sản phẩm sáng tạo và chất lượng. Tôi đã bén duyên với chất liệu đồ jean, từ ấy tôi đã yêu luôn nguồn nguyên liệu sáng tạo này.
Mỗi chi tiết trên quần, áo jean cũ luôn tạo hứng thú cho tôi sáng tạo, những câu hỏi như “chiếc túi quần này sẽ được đặt ở đâu trên thân túi xách?” “chiếc mác này, chiếc đai quần, cạp quần sẽ được dùng làm gì?”, và giải quyết xong các câu hỏi ấy thì sản phẩm đã hoàn thành, không một chiếc túi nào giống chiếc túi nào. Thật vui khi mỗi ngày làm việc bắt đầu từ những món đồ bỏ đi, cuối ngày là một vài món đồ hữu ích được tái sinh.
Dù là sản phẩm tái chế nhưng mỗi sản phẩm các bạn làm ra đều rất đẹp và có tính nghệ thuật. Đâu là bí quyết của bạn?
Bí quyết để làm ra một sản phẩm tái chế đẹp ngoài việc sử dụng những kĩ thuật may túi thành thạo thì đòi hỏi sự tâm huyết cũng như niềm đam mê của bản thân. Có thể vì vậy mà sản phẩm của tôi đều chỉn chu và độc đáo.
Có lẽ bí quyết từ chính chất liệu, jean luôn là một chất liệu bền đẹp và cá tính. Dù đã qua sử dụng nhưng độ bền của jean vẫn khá tốt so với các chất liệu vải khác và có thể sử dụng làm túi xách mà vẫn có được độ thẩm mỹ nhất định. Hơn thế nữa chính những chi tiết quen thuộc và đặc trưng của quần jean đã kích thích sự sáng tạo của mình trong mỗi sản phẩm.
May từ vải mới đã khó, đây lại tái chế từ những chiếc quần cũ, đâu là công đoạn khó nhất trong quá trình thực hiện của bạn?
Nguyên liệu chính để may túi là jean nên chi phí sẽ không cao so với sản xuất túi xách bằng 100% nguyên liệu mới, tuy nhiên công sức sẽ mất rất nhiều.
Khi thu thập jean về tôi sẽ phải giặt sạch sau đó mới tiến hành cắt may.
Để chế biến từ một chiếc quần cũ thành túi xách tốn rất nhiều công đoạn sơ chế nguyên liệu. Tôi phải cắt rời các chi tiết ra và ghép lại theo ý tưởng của bản thân sau đó mới tiến hành may thành túi xách.
Công đoạn khó nhất chính là định hình ý tưởng, sắp xếp những chi tiết không liên quan thành một sản phẩm có tổng thể hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao. Đây là công đoạn tốn nhiều tâm tư nhất nhưng cũng là công đoạn thú vị nhất.
Tái chế lại đồ cũ với mục đích sống xanh nhưng việc làm ra những món đồ đó vô tình tạo ra không ít những miếng vải vụn, bạn xử lý chúng ra sao?
Sau khi may những chiếc túi to sẽ có những mảnh vụn vải. Với những mảnh còn sử dụng được sẽ được giữ lại để may những chiếc túi nhỏ như vây cá của túi cá hay ghép lại thành mảnh vải lớn hơn.
Những vụn nhỏ hơn nữa sẽ được gom lại nhét vào chai nhựa làm gạch ecobrick (gạch sinh thái - PV) để làm các sản phẩm decor (trang trí - PV) khác như ghế ngồi.
Trong suốt hành trình thực hiện dự án tái chế quần jean cũ, đối với bạn, kỷ niệm nào đặc biệt nhất?
Mỗi một sản phẩm đều là tâm huyết của tôi vì vậy kỷ niệm rất nhiều. Tuy nhiên, kỷ niệm mình nhớ nhất là chị khách gửi quần áo cũ đến và nhờ mình may chúng lại thành túi xách cho chị và balo cho bé. Khi nhận được túi, chị rất vui và nói với tôi rằng: Chiếc quần đã làm rất tốt sứ mệnh của nó, giờ nó lại được biến thành chiếc túi mới mang một sứ mệnh khác, thật tuyệt vời. Những cảm nhận của khách luôn để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp và động lực để sáng tạo nhiều hơn mỗi ngày.
Với quyết định ra trường không đi xin việc mà về quê rẽ sang con đường mà tương lai có vẻ mờ mịt, gia đình bạn lúc đó phản ứng ra sao?
Khi tôi quyết định đi theo đam mê thay vì đi xin việc như các bạn cùng trang lứa khác thì gia đình cũng ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều.
Qua dự án này, bạn mong muốn truyền tải điều gì?
Tôi muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp: Có rất nhiều cách để bảo vệ môi trường, cách đơn giản nhất chính là sử dụng triệt để những món đồ đã mua, tái sử dụng chúng theo cách thật sáng tạo để tăng vòng đời. Hãy yêu trái đất theo cách của riêng bạn.
Ngoài dự án tái sử dụng đồ cũ, bạn có đang ấp ủ một dự án nào khác về môi trường không?
Sắp tới, tôi dự định sẽ mở các workshop hướng dẫn may túi tái chế để lan tỏa nhiều hơn tới các bạn trẻ việc tái chế bảo vệ môi trường.