Chở ước mơ thành phiên dịch viên trên chuyến xe đồng nát
Những ngày đầu năm, trên con đường nhỏ gần làng Nguyên Xá (Minh Khai- Hà Nội), người ta vẫn nhìn thấy bóng dáng liêu xiêu của hai mẹ con bà đồng nát. Người mẹ đã già yếu, chiếc xe đạp liêu xiêu giữa dòng người qua lại. Đi bên cạnh, cô con gái xinh xắn, gầy gò đang oằn mình đỡ đống hàng cồng kềnh như muốn đổ sập trước cơn gió đông.
Nhìn hình ảnh lấm lem ấy, ít ai nghĩ rằng “cô bé đồng nát” ấy lại là nữ sinh giỏi giang của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cô bé ấy chính là nữ sinh Nguyễn Thị Cúc (SN 1995, quê Thiệu Hóa, Thanh Hóa) hiện đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Công nghiệp.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà trọ của mẹ con Cúc khi cả hai đang tất tả sắp xếp, phân loại đồ đạc để chiều đi nhập hàng. Mọi khoảng trống trong phòng được chất đầy đồ đạc cũ. Trò chuyện với chúng tôi, Cúc hài hước nói: “Mấy hôm nay, nhiều gia đình cần thanh lý bớt đồ đạc cũ nên mẹ con em trở nên “đắt sô” hơn. Nhưng mà lạnh quá, mẹ em lại yếu nên không đi xa để thu mua được. Tiếc lắm!”. Chỉ tay ra phía chiếc xe đạp dựng ngoài sân, Cúc bảo rằng: “cần kiếm cơm” của mẹ con em đấy”! Bao năm rồi, chiếc xe đạp cũ hoen gỉ đã đưa mẹ Cúc đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để mưu sinh.
Cúc tâm sự:“Làm nghề này có đôi khi cũng tủi lắm chị ạ, nhiều người thấy nghề buôn đồng nát là nhếch nhác, bẩn thỉu vì tay chân suốt ngày lấm lem, họ còn gọi mẹ em là “con mụ đồng nát”. Thế nhưng, với em dù nghề có vất vả, nhọc nhằn nhưng em luôn thầm biết ơn nghề này đã giúp mẹ con em có cái ăn, trang trải cuộc sống, giúp em bám trụ lại với con đường học hành”.
Cúc kể rằng, ngày mới ra Hà Nội học, kinh tế gia đình khó khăn, ai cũng ngăn cản Cúc thực hiện ước mơ được theo học đại học. Khi ấy, mẹ Cúc cũng rời quê ra đây để kiếm tiền lo cho con không phải dang dở học hành.
“Ban đầu, mẹ em đi làm giúp việc, trông trẻ. Nhưng việc trông trẻ thấy mẹ vất vả quá mà em lại không thể giúp được gì nên em khuyên mẹ về làm đồng nát để em còn tranh thủ phụ mẹ”.
Nhưng nghề đồng nát không hề dễ như Cúc nghĩ. Phải mất khá nhiều thời gian để hai mẹ con bám trụ bằng nghề này được. Những ngày đầu, hai mẹ con đạp xe cả ngày nhưng không mua được cái gì. Thế nên, Cúc lại dẫn mẹ đi nhặt phế liệu ở chợ đầu mối Đồng Xa, chợ Nhổn… Dần dần, hai mẹ con mới có khách bán đồ cũ, hàng thừa.
Cứ thế, ngoài giờ học, Cúc lại phụ mẹ đi khắp các con phố, ngôi làng khu vực Nam – Bắc Từ Liêm để tìm mua đồng nát. Mùa đông thì gió lạnh, mùa hè, những hôm nắng như đổ lửa, hai mẹ con lại đồng hành khắp các ngõ xóm nhưng chẳng thu mua được gì.
Dù vất vả, bươn chải với nghề đồng nát nhưng Cúc lại học giỏi và rất chịu khó tham gia các hoạt động của trường, lớp. Đến năm thứ 3, “cô bé đồng nát” được chọn là một trong 24 sinh viên ưu tú của trường đại học Công nghiệp tham gia Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong vòng 1 năm.
“Khi được chọn, em vui lắm nhưng lại lo cho mẹ ở nhà. Không có em phụ giúp, những chuyến hàng nặng mẹ em mang về bằng cách nào? Không những thế, bố mẹ đã phải bán trâu, vay ngân hàng. Nhà trường chỉ hỗ trợ một phần nhỏ nên mọi thứ vẫn là bản thân phải chi trả. Đắn đo, cân nhắc, em vẫn quyết định đi du học - niềm ao ước của em, em không muốn mất cơ hội ấy”, Cúc nhớ lại.
Theo lời kể của Cúc, đó là quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời em. Lúc đó đến cả những người bạn cũng cho rằng Cúc ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, nhà nghèo mà còn đòi “xuất ngoại”. Thế nhưng, gạt bỏ dư luận, thuyết phục bố mẹ, Cúc hy vọng quãng thời gian đó sẽ là bước ngoặt cho cuộc đời em sau này…
Mặc dù đi du học nhưng Cúc lúc nào cũng đau đáu nghĩ về mẹ. Lo lắng mẹ ở nhà sẽ không tìm được mối mua hàng, ở Trung Quốc rồi, Cúc lên các diễn đàn sinh viên, nhất là diễn đàn sinh viên đại học Công nghiệp để “tiếp thị” giúp mẹ. “Mẹ tớ là đồng nát, các bạn có đồ gì không dùng thì bán cho mẹ tớ nhé”, lời rao của Cúc nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của các bạn sinh viên. Từ đó, ai chuyển phòng, có đồ thừa đều gọi cho mẹ Cúc đến mua. Nên cuộc sống của mẹ em ở nhà cũng đỡ hơn.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ, Cúc luôn chăm chỉ học hành. Trong thời gian du học tại Trung Quốc, Cúc cũng đã thi được bằng HSK 4 (Bằng tiếng Hán có giá trị quốc tế) đồng thời là tình nguyện viên đắc lực hỗ trợ các bạn sinh viên khác đi du học sau này.
Một năm du học xứ người với biết bao khó khăn về tài chính cũng đã qua đi, trở lại nước để hoàn thành nốt những môn học còn lại, cô gái nhỏ nhắn ấy vẫn hành nghề đồng nát và từng ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kĩ chở giấc mơ thành hiện thực.
Nhọc nhằn “thân cò” thắp sáng hy vọng cho con
Kể về gia đình mình, đôi mắt Cúc đượm buồn. Sinh ra trong một gia đình có 6 chị em, Cúc may mắn là 1 trong 2 người được đi học. Thế nhưng, ít người biết Cúc đã phải đấu tranh, gạt bỏ mọi lời trách móc, mỉa mai của người đời để được tiếp tục đến trường.
Gia đình thuộc diện nghèo của xã, bố mẹ đã già yếu nên 4 chị gái đầu của Cúc đều không được học hành đến nơi đến chốn. Các chị lần lượt đi làm công nhân rồi lập gia đình ở xa nên cũng không hỗ trợ nhiều được cho bố mẹ. Khi Cúc đi học đại học, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do hai mẹ con xoay sở.
“Năm nhất đại học, chị gái đã nhiều còn gọi điện khuyên nhủ nghỉ học, hãy thương và nghĩ cho bố mẹ. Lúc đó em dằn vặt bản thân ghê gớm nhưng dù có khó khăn đến đâu, em cũng muốn tiếp tục con đường học hành để sau này có cơ hội kiếm được một công việc ổn định, báo hiếu lại bố mẹ”, Cúc buồn rầu kể lại.
Không chỉ áp lực từ chính người thân, Cúc còn phải đối diện với sự chỉ trích từ những người hàng xóm xung quanh. Nhiều người dè bỉu: “Nhà nghèo tốt nhất là nên đi làm chứ học chẳng được gì cả”, “học chắc gì đã có việc làm”… Đứng giữa vô vàn áp lực từ lời đàm tiếu, chê trách của mọi người rồi tiếp đến gánh nặng tiền học, nhưng với sự động viên và quyết tâm của mẹ, Cúc vẫn cố gắng tiếp tục học hành.
Chia sẻ với PV, mẹ Cúc tự hào khi nhắc đến cô con gái bé nhỏ nhưng đầy nghị lực. Mẹ Cúc bảo rằng: "Nó là con gái mà chẳng ngại vất vả, chẳng sợ bẩn thỉu nặng nhọc cũng chẳng thấy xấu hổ mà còn thấy tự hào. Chỉ mong con bé ra trường, toại nguyện ước mơ là tôi hạnh phúc lắm rồi!”.
Chia tay căn phòng nhỏ với ngổn ngang đồ đạc, nơi đó có một người mẹ tần tảo không ngại khó khăn cho con được đi học, tôi thầm hy vọng, “chuyến xe đồng nát” sẽ chở ước mơ của mẹ con Cúc thành hiện thực.
N.G