Cô gái Banar giành lấy sự sống cho những đứa trẻ từ hủ tục chôn theo mẹ

Cô gái Banar giành lấy sự sống cho những đứa trẻ từ hủ tục chôn theo mẹ

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 4, 23/05/2018 06:30

Nhờ tấm lòng bao dung của Byen, hai đứa trẻ suýt bị dân làng chôn sống theo hủ tục may mắn thoát chết.

Rợn người hủ tục chôn con theo mẹ

Ngày ấy, Y Byen chỉ mới 14 tuổi nhưng đã nhiều lần phải chứng kiến hủ tục hãi hùng. Những đứa trẻ sơ sinh, kháu khỉnh bị dân làng đem chôn sống cùng người mẹ quá cố theo phong tục khiến chị luôn cảm thấy bứt rứt, ám ánh. "Phép vua thua lệ làng", ấy vậy mà, một cô bé ở tuổi ăn chưa no, lo chưa tới đã dũng cảm đứng lên bài trừ hủ tục giành giật lại sự sống cho những đứa trẻ vô tội bị ràng buộc bởi hủ tục đáng sợ.

Giờ đây, ở độ tuổi 28, khi những bạn bè cùng trang lứa đã lập gia đình, con cái tay bế, tay bồng, chị cũng không cảm thấy chạnh lòng. Bởi, với Byen, niềm vui lớn nhất đối với chị hiện tại là hằng ngày được nghe hai đứa con Y. Song (SN 2004) và Y. Sơn (SN 2015) cất tiếng gọi chị là mẹ.

Cô gái Banar giành lấy sự sống cho những đứa trẻ từ hủ tục chôn theo mẹ

Y Byen cùng hai đứa con trai mà cô đã cưu mang từ ngày mới lọt lòng mẹ.

Chúng tôi về làng Piơm (thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) để tìm con người nổi tiếng ấy. Thật không khó để tìm được nhà của chị bởi, ở làng Piơm, Byen như một như một "ngọn đuốc" sáng không chỉ về lòng dũng cảm dám đương đầu với hủ tục mà còn là một tấm gương điển hình vượt khó vươn tới thành công. Nhờ sự nỗ lực, phấn đấu vượt lên khó khăn, hiện tại, Byen là ca sĩ của đoàn Văn công Đam Sam, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Căn nhà nhỏ của gia đình Byen nằm phía trong cùng của một con hẻm nhỏ tại làng Piơm. Thời điểm chúng tôi đến, trước hiên nhà, hai cụ già đang say sưa dệt thổ cẩm. Thấy khách lạ ghé thăm, ông Y Byem (SN 1942, cha của Byen) hồ hởi, nở nụ cười đôn hậu mời khách vào nhà. Biết chúng tôi đến để hỏi thăm về việc làm thiết thực của cô con gái, ông Byem nở nụ cười viên mãn nhìn sang người vợ. Đôi mắt hai cụ ánh lên niềm tự hào khôn xiết.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Y Wưt (SN 1952, mẹ Byen) vẻ mặt rạng rỡ, giọng phấn khởi. Ngược về ký ức gần 15 năm về trước, bà Wưt kể: “Năm 2004, tôi cùng Byen xuôi ngược khắp các buôn, làng bán đồ cũ. Hôm đó, khoảng 5h sáng, hai mẹ con tôi đặt chân đến làng Tơ Nian (xã Đe Ar, bây giờ là huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai - PV). Lúc này, nghe dân làng kháo nhau có một phụ nữ sau khi vượt cạn tại nhà đã qua đời. Sau khi nghe tin, mẹ con tôi cũng tìm đến gia đình để chia buồn”.

Nói đến đây bà Wưt ngập ngừng, giọng chùng xuống. Bà kể tiếp: "Lúc đó, bên cạnh thi thể người mẹ quá cố là một bé trai kháu khỉnh, đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn. Tôi lặng người vì đoán biết những điều tiếp theo sẽ đến".

Cô gái Banar giành lấy sự sống cho những đứa trẻ từ hủ tục chôn theo mẹ (Hình 2).

Bố, mẹ YByen chia sẻ với PV về việc làm của cô con gái.

Bởi, theo phong tục của người Banar, nếu không để cháu bé “theo” mẹ thì linh hồn của người mẹ sẽ không thể siêu thoát. Hơn nữa, nếu đứa bé còn sống sẽ gây phiền toái cho anh, chị em người thân trong gia đình. Chính vì vậy, đứa bé buộc phải đi theo mẹ qua thế giới bên kia. Do đó, người cha đứa bé đã ba lần cố sát hại đứa bé sơ sinh.

Tuy nhiên, kỳ lạ thay, đứa bé vẫn không tắt thở. "Chứng kiến cảnh tượng ấy, Byen không cầm được lòng. Nó liên tục đưa tay giật áo tôi. Nó khóc thét lên và nói trong nước mắt: "Mẹ xin người ta đừng giết đứa bé tội nghiệp... họ không nuôi được mình xin đem về mình nuôi”, bà Wưt kể. Thấy con nói vậy, bà cũng chạnh lòng. Sau một thời gian khá lâu nghe hai mẹ con thuyết phục, người làng đồng ý cho bà nhận đứa trẻ về. Byen mừng như thể vớ được vàng, hớn hở bế đứa bé lên đường trở về nhà. 

Cô Banar quả cảm

Thế nhưng, về đến nhà, cả gia đình lại cảm thấy lo lắng, sợ không nuôi được vì đứa bé chưa đầy một ngày tuổi liên tục khóc thét vì khát sữa. Thời điểm đó, gia đình bà lại khó khăn, không có tiền, không biết tìm đâu ra sữa cho đứa trẻ uống. Theo ông Byem, thấy cháu bé khóc quá, ông xót xa, không cầm được lòng. Sau đó, gia đình thống nhất bán đi đàn heo để lấy tiền mua sữa cho đứa bé.

Nói đến đây, ông Byem thở dài: "Khi thằng bé chịu bú sữa, gia đình chưa kịp mừng thì nó lại đổ bệnh. Để có tiền đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi, nhà tôi phải bán cả bò, cả ruộng mới cứu được nó. Sau đó, kinh tế kiệt quệ, gia đình phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi". Chỉ vào tay vào đứa cháu, ông Byem hồ hởi: "Các cháu nhìn xem, thằng Song đỏ hỏn, to bằng bắp tay ngày nào giờ cao lớn, học đến lớp 7 rồi đấy".

Thời điểm chúng tôi đến, Byen đang bận chuyến công tác dài ngày tại TP.HCM. Dù công việc bận rộn nhưng Byen vẫn dành chút thời gian ngắn ngủi để chia sẻ với chúng tôi. Qua điện thoại, Byen kể: "Năm 2015, có một người quen gọi điện cho Byen nói tại nhà ma thuộc làng Plei Chuyết (xã Chư Á, huyện Đắk Đoa), có một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi Byen có nhận nuôi không? Lúc này trong lòng Byen tình thương trỗi dậy muốn chạy thật nhanh đến để đưa ngay đứa bé về nhà".

"Nhưng, Byen có phần hơi lo lắng vì lúc đó hoàn cảnh gia đình cũng đang rất khó khăn ruộng, rẫy đã bán hết. Byen sợ cha mẹ không đồng ý. Sau đó, Byen chạy về hỏi mẹ và cha "Có nuôi con người không, có một đứa trẻ nữa bị người ta bỏ ngoài nhà ma". Byen vừa dứt lời thì cha Byen nói: "Nuôi chứ... nuôi chứ". Vậy là Byen mừng rỡ chạy ra nghĩa địa bế đứa trẻ về”, chị cho biết thêm.

Cô gái Banar giành lấy sự sống cho những đứa trẻ từ hủ tục chôn theo mẹ (Hình 3).

Y Byen cùng người con trai đầu trong một lần đi mua xe đạp.

Theo Byen, khi nhận nuôi bé thứ hai, cuộc sống gia đình chị cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Hằng ngày, Byen phải đi mò cua bắt ốc, đi mót mủ cao su để kiếm sống. Có bao nhiêu tiền, chị đều dành dụm mua sữa cho hai đứa con. Cuộc sống cứ thế trôi đi, giờ đây người con lớn của Byen đã học lớp 7, con nhỏ đã được 3 tuổi.

Byen đã có việc làm, kinh tế gia đình giờ đã tạm ổn. Khi chúng tôi hỏi về chuyện lập gia đình, Byen cười: "Một mái ấm gia đình, một người chồng yêu thương mình cái đó là điều mà bất kỳ một người con gái nào cũng mong muốn. Với Byen cũng vậy, có nhiều người lui tới nhưng chưa tìm được người nào rộng lượng, thật lòng thương hai đứa nhỏ".

Tấm gương tiêu biểu

Nói về việc làm của Y Byen, trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Giang Thảo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết: "Trước hành động thiết thực, ý nghĩa của Y Byen, ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng đã đến tận nhà để trao tặng bằng khen, động viên khích lệ tinh thần. Ngoài ra, Y Byen còn là tấm gương tiêu biểu được Tỉnh đoàn bầu chọn tham gia "Đại hội thanh niên làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 5" được tổ chức tại TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.