Ngày 28/2/2013, một cô gái 24 tuổi, tên Natascha Kampusch đã tham dự buổi ra mắt một bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt. Bộ phim này được sản xuất dựa trên quãng đời kéo dài 8 năm bị bắt cóc của cô gái.
Bộ phim mang tên: Ác mộng 3.096 ngày, được phát hành khắp Châu Âu.
Năm 2006, cô gái trẻ người Áo Natascha Kampusch đã khiến truyền thông thế giới chấn động sau khi thoát khỏi tay một kẻ bắt cóc đã giam giữ cô suốt 8 năm trường. Những bí mật về cuộc sống của cô gái, những trận đòn tra tấn, nỗi đau đớn tuyệt vọng... đã được cô gái tiết lộ trong cuốn tự truyện của mình mang tên 3.096 Days. Không những thế, có hẳn bộ phim mang tên Ác mộng 3.096 ngày được sản xuất dựa trên câu chuyện có thật về cô.
“Tôi nhận ra chính mình trong phim nhưng thực tế còn tồi tệ hơn nhiều. Bạn không thể thể hiện tất cả mọi thứ trên phim, nếu không có lẽ nó sẽ trở thành một bộ phim kinh dị mất!”, Kampusch nói. Những điều cô bé trong bộ phim phải chịu đựng đối với khán giả là quá khủng khiếp nên không thể tưởng tượng nổi Natascha ngoài đời thực đã từng đau đớn đến mức nào?
Tuy nhiên, bộ phim vẫn gợi lên trong cô rất nhiều cảm xúc: "“Nó khiến tôi nhớ đến quãng thời gian kinh hoàng đó. Đặc biệt, cảnh cuối phim thực sự rất giống với những gì tôi đã trải qua!”
Poster bộ phim dựa trên câu chuyện có thực về Natascha Kampusch.
Trước đó, tháng 9/2010, Kampusch đã cho xuất bản cuốn tự chuyện mang tên 3.096 Days.
Trong cuốn tự truyện, cô kể đã bị đánh đập trên 200 lần một tuần, bị xích với kẻ bắt cóc trong khi cả hai ngủ trên giường của hắn, bị ép cắt tóc và làm việc với tình trạng gần như khỏa thân, giống như một nô lệ trong nhà.
Cô Kampusch, giờ đã 24 tuổi, bị một kẻ tên là Wolfgang Priklopil bắt cóc khi mới 10 tuổi và phải sống trong một căn hầm bên dưới gara ô tô của hắn ở Áo.
Cuốn sách của cô gái, nhan đề 3.096 Days, tiết lộ những câu chuyện xảy ra trong quãng thời gian cô bị bắt cóc đã giúp cô gái kiếm được 1 triệu đô la.
Kampush cho biết cô viết cuốn sách vì cảm thấy rất muốn kể “toàn bộ câu chuyện” về vụ bắt cóc.
Căn phòng nhốt Kampusch suốt 8 năm và hình cô bé trước khi bị bắt cóc
Trong sách, Kampush nói rằng Priklopil, kẻ bắt cóc, 44 tuổi, buộc cô phải gọi hắn là “Ông chủ của tôi”, “Nhạc trưởng” và nói với cô rằng: “Mày không còn là Natascha nữa. Giờ mày thuộc về tao”.
Kampush kể cô bị Priklopil đánh đập tàn tệ tới mức xương cô bị gãy. Hắn rất ghét và tức giận mỗi khi cô khóc kêu đau. Kết quả của những cơn tức giận đó là cô gái bị Priklopil lao tới bóp cổ, nhấn cô xuống nước cho tới khi bất tỉnh.
“Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác ớn lạnh xương sống khi Priklopil đập liên tiếp vào đầu tôi vào hôm đầu tiên”, cô viết.
“Nhưng dù sao tôi vẫn là một đứa trẻ và tôi cần những cái âu yếm an ủi. Vì thế, sau một vài tháng sống dưới hầm, tôi yêu cầu kẻ bắt cóc ôm lấy tôi. Điều đó thật khó khăn. Tôi lại cảm thấy sợ hãi khi anh ta ôm tôi quá chặt”.
Và cuối cùng cô gái phải thỏa hiệp.
Natascha Kampusch trong ngày ra mắt cuốn tự truyện.
“Khi tôi 14 tuổi, tôi ngủ trên sàn suốt đêm đầu tiên. Tôi vô cùng sợ hãi khi hắn nằm cạnh tôi và buộc chân tôi vào chân hắn. Tôi không được phép gây ra tiếng động”.
Cô gái cố gắng nằm im trong khi kẻ bắt cóc ngủ say và thở đều đều dưới nách. Thay vì sex, tất cả những gì hắn cần là một “sự âu yếm”.
Cuốn sách còn tiết lộ, trong tình trạng tuyệt vọng, cô gái đã cố gắng tự tử một vài lần.
“Cảm giác giống như bị chôn sống. Sự xuất hiện của khí ôxy là thứ duy nhất khiến nơi giam cầm tôi khác biệt so với một hầm mộ. Tôi đã có những cảm giác hết sức khủng khiếp. Đôi khi tôi mơ mình sẽ cắt đầu ông ta (Priklopil) nếu tôi có một cái rìu. Chuyện này cho thấy trí óc bị tra tấn khổ sở thế nào khi người ta tìm kiếm một giải pháp cho tình huống tuyệt vọng” - Kampusch kể.
Ngày 23/8/2006, Kampusch thoát khỏi sự giam cầm khi đã 18 tuổi.