Những dòng tâm sự trong cuốn tự truyện của Natascha Kampusch:
Khi tôi 14 tuổi, lần đầu tiên tôi được ngắm ánh sáng ban đêm trên mặt đất kể từ khi bị bắt cóc. Priklopil bắt tôi lên nhà ngủ cùng giường với hắn. Dĩ nhiên là vẫn bị xích tay với hắn. Khi tôi cảm thấy hơi thở của hắn sau lưng mình, tôi cố gắng cử động ít nhất có thể.
Lưng của tôi thâm tím với nhiều vết thương vì bị đánh. Vì thế tôi không thể nằm ngửa. Nhưng lúc tôi nằm nghiêng thì cổ tay lại bị cái còng làm xước da tay.
Mỗi khi Priklopil muốn tôi lên nhà ngủ cùng như thế, mục đích của hắn không phải là sex. Người đàn ông thường xuyên đánh và nhốt tôi trong hầm tối đôi khi chỉ muốn một sự âu yếm.
Bìa cuốn tự truyện của Natascha Kampusch
Năm 15 tuổi, tôi được lên nhà nhiều hơn. Tuy vậy, tôi chẳng cảm thấy hơn vì dường như bệnh hoang tưởng của Priklopil càng ngày càng trầm trọng.
Bất kể hắn đi tới chỗ nào, tôi buộc phải đứng hoặc đi theo hắn với cùng một khoảng cách, không được gần hơn, không được xa hơn. Nếu chẳng may vi phạm, Priklopil giận dữ như một quả bom phát nổ. Nếu tôi khóc, hắn sẽ giam trong căn hầm toàn bóng đen.
Priklopil đặc biệt cuồng nộ mỗi khi tôi đề cập tới bố mẹ. “Tao là gia đình mày. Giờ tao là mọi thứ của mày. Mày không còn quá khứ nữa. Tao tạo ra mày”. Hắn gào lên.
Priklopil cũng hi vọng tôi giữ vai trò của một người đàn bà trong gia đình, một người biết chấp nhận và hài lòng với mọi thứ. Tôi bất ngờ nhận ra rằng khuôn mẫu một gia đình hoàn hảo của hắn giống như khuôn mẫu của những năm 1950: Người đàn ông muốn có một người vợ nhỏ nhắn, chăm chỉ, luôn chuẩn bị cho bữa tối đúng giờ, không bao giờ cãi lại và làm việc nhà một cách hoàn hảo.
“Tao là vua, mày là nô lệ”. Hắn nói với tôi. "Tao luôn muốn có một nô lệ cũng giống như Hitler có quyền sát hại người Do Thái". Priklopil luôn nói về Hitler với vẻ ngưỡng mộ.
Bỏ đói là một trong những chiến thuật hữu hiệu nhất của Priklopil khiến tôi phải nghe lời. "Nhìn mày mà xem, vừa béo lại vừa xấu". Priklopil mắng tôi khi tôi 12 tuổi khiến tôi thấy căm ghét bản thân.
Bây giờ, tôi tin rằng, Priklopil bị chứng rối loạn tâm lý, ghét bỏ chính mình và hắn cố tiêm nhiễm điều đó vào đầu tôi.
Sau đó, khi tôi 16 tuổi, khẩu phần ăn của tôi bị giảm rất nhiều, chỉ bằng một phần tư so với số thức ăn mà một người trưởng thành cần.
Bữa sáng là sữa, trà và 2 thìa ngũ cốc, không hơn hoặc không kém.
Cân nặng của tôi giảm trầm trọng vì bị cơn đói, cơn đau dằn vặt không dứt. Phải mất rất lâu sau tôi mới hiểu ra rằng hắn cho tôi ăn ít để khiến tôi yếu và dễ phục tùng.
Một cảnh trong bộ phim dựa trên câu chuyện có thật của Natascha Kampusch mang tên "Ác mộng 3.096 ngày".
Hắn cũng trở nên hoang tưởng về mái tóc của tôi. Priklopil tưởng tượng cảnh sát có thể sẽ theo dấu của tôi nếu họ tìm ra một sợi tóc. Vì thế hắn bắt tôi lấy túi bóng trùm lên đầu. Điều này khiến tôi ban đầu rất ngứa và sau đó da đầu bị lở loét.
Bất cứ khi nào tôi phàn nàn về điều này, Priklopil rít lên vì giận dữ: “Nếu mày trọc đầu, mày đã không phải chịu những điều này”.
Và tôi nảy ra một ý tưởng. Để không phải tiếp tục chịu những cơn ngứa đầu hành hạ, một hôm tôi dùng kéo cắt tất cả tóc trên đầu. Với một con dao cạo, Priklopil cạo sạch những cọng tóc còn lại. Giờ đây tôi thực sự trọc đầu.
Việc này liên tục được lặp lại mỗi khi hắn cho tôi tắm ở nhà trên. Không một giây phút nào tóc được phép ở lại trên đầu. Và bất cứ nơi đâu.
Trông tôi thật thảm hại. Xương sườn giơ ra, tay và chân đầy những vết thâm tím và 2 gò má hốc hác. Nhưng Priklopil rõ ràng cảm thấy hài lòng về vẻ bế ngoài của tôi như vậy. Bởi vì từ đó trở đi, hắn bắt tôi làm việc trong nhà trong tình trạng gần như khỏa thân.