Bị tạt a-xít vì từ chối yêu
Năm 2003, khi 17 tuổi, Sonali Mukherjee là một cô gái xinh đẹp, một học sinh sáng giá của trường trung học Dhanbad, miền đông Jharkhand (Ấn Độ). Tuy nhiên vì từ chối tình yêu của một cậu bạn cùng trường mà tương lai của cô gái trẻ bị phá hỏng hoàn toàn.
Đêm đó khi đang ngủ, Sonali giật mình tỉnh giấc vì cảm giác đau rát trên mặt. Cô đã bị kẻ si tình và hai người khác tạt thẳng a-xit vào mặt. Đó là chất hóa học được gọi là Tezaab, thường được sử dụng để làm sạch các đồ vật bị rỉ sét. Sau vụ tấn công kinh hoàng đó, toàn bộ khuôn mặt của Sonali bị biến dạng nghiêm trọng: Mắt bị hỏng, tai và mũi bị hủy hoại nặng.
"Cô gái xấu xí" Sonali Mukherjee dũng cảm xuất hiện trên truyền hình.
Từ đó đến nay, Sonali đã phải trải qua 22 cuộc phẫu thuật nhưng do thương tích quá nghiêm trọng nên cô vẫn bị mù và điếc một phần. Điều đáng thương là cô gái tội nghiệp này không nhận được bất kỳ trợ cấp nào từ phía nhà nước cho việc điều trị. Đầu năm nay, cô đã viết thư cho Chính phủ Ấn Độ và đe dọa sẽ tự tử nếu không nhận được viện trợ của Nhà nước.
Điều bất công nữa là kẻ tấn công Sonali đã được tại ngoại chỉ sau bốn tháng tù giam vì nạn tạt a-xit ở Ấn Độ không bị kết tội. Ông Chandi Mukherjee, cha của Sonali bày tỏ sự bức xúc: "Chúng tôi đã gửi đơn tới tòa án tối cao... nhưng cuối cùng vẫn không có biện pháp nào được đưa ra.
Những kẻ tấn công Sonali đã phải đi tù nhưng lại được tại ngoại chỉ sau 4 tháng, không hề phải chịu đền bù nào cho nạn nhân. Và bây giờ, chúng vẫn nghiễm nhiên tận hưởng cuộc sống vui vẻ trong khi con gái tôi phải chịu đau khổ từng ngày. Chính phủ cần phải có pháp luật nghiêm ngặt hơn đối với những kẻ tấn công a-xit. Nếu không sẽ tiếp tục còn nhiều nạn nhân như Sonali...".
Đương đầu nghịch cảnh
Với 22 cuộc phẫu thuật tốn kém hàng trăm ngàn rupee cho con gái, gia đình Sonali đã phải bán đi phần đất của tổ tiên, đồ trang sức của mẹ Sonali và những đồ vật giá trị trong nhà.
Cuối cùng, để có tiền cho những lần phẫu thuật tiếp theo, Sonali đã quyết định xuất hiện trong chương trình "Kaun Banega Crorepati" (Ai là triệu phú phiên bản Ấn Độ) và may mắn đã đến với cô gái xấu xí. Sonali đã xuất sắc vượt qua 10 câu hỏi và giành được số tiền thưởng là 2,5 triệu rupee (gần 1 tỷ đồng).
Sonali Mukherjee khi còn đi học.
Nói về quyết định xuất hiện trên truyền hình, Sonali chia sẻ: "Nếu như bạn có thể dán mắt vào hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp thì bạn cũng có thể nhìn vào khuôn mặt bị thiêu đốt của tôi. Các nạn nhân bị tạt a-xit thường dễ dàng chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, nhưng tôi đã quyết định đứng lên và kêu gọi mọi người chống lại tình trạng bạo lực...".
Người dẫn chương trình Amitabh Bachchan cũng đã hết lời ca ngợi sự dũng cảm của Sonali khi cô xuất hiện trong chương trình của ông: "Sonali đã rất tự tin xuất hiện trước đông đảo khán giả truyền hình. Cô ấy không im lặng và chịu đựng như bao nạn nhân bị tạt a-xit khác. Cô ấy thực sự rất dũng cảm".
Chương trình "Kaun Banega Crorepati" (Ai là triệu phú phiên bản Ấn Độ) là một gameshow truyền hình rất ăn khách ở đất nước Hồi giáo và bộ phim "Triệu phú khu ổ chuột" từng đoạt giải Oscar của đạo diễn Danny Boyle cũng là lấy cảm hứng từ chương trình này.
Sự xuất hiện của Sonali trong chương trình không chỉ đem tới cho cô gái bất hạnh cơ hội kiếm được số tiền phẫu thuật mà điều ý nghĩa hơn là thể hiện lòng dũng cảm của cô gái trẻ khi đối mặt với nghịch cảnh; góp phần kêu gọi Chính phủ Ấn Độ chú ý hơn tới vấn đề bạo lực đang gây ra nhiều đau đớn cho phụ nữ nước này. S
onali sẽ sử dụng số tiền chiến thắng trong cuộc thi để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ vào năm tới. Tuy nhiên, số tiền trên vẫn chưa đủ trả cho mọi hóa đơn viện phí của cô.
Theo một cuộc khảo sát của tổ chức Reuters Thomas Foundation thì Ấn Độ là quốc gia đứng thứ tư trong danh sách những quốc gia mà phụ nữ gặp nguy hiểm vì bạo lực, đặc biệt là các cuộc tấn công a-xit ngày càng tăng. Vào năm ngoái, có tới 228,650 trong tổng số 256,329 vụ tội phạm tấn công tại Ấn Độ là nhằm vào phụ nữ. Tuy nhiên, các vụ tấn công hoặc xâm phạm chỉ bị coi là trêu đùa và không có hình thức xử phạt thích đáng. Một nhóm vận động hành lang ở Karnataka, trong chiến dịch đấu tranh chống lại các cuộc tấn công a-xit cho biết đã có khoảng 70 cuộc tấn công a-xit tại Ấn Độ trong thập kỷ qua. Nguyên nhân của các cuộc tấn công chủ yếu là một hành động trả thù những người phụ nữ từ chối hôn nhân hoặc chủ động đề nghị ly hôn. Trước đây, những phụ nữ bị tạt a-xit không nhận được bất kì hỗ trợ nào từ phía nhà nước và cảnh sát Ấn Độ bị cho là chậm chạp trong việc trừng phạt các thủ phạm. Trước những làn sóng đấu tranh của người dân, Chính phủ Ấn Độ hiện đang xem xét hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân bị hãm hiếp và bị tạt a-xit. Khoản tài trợ này được sử dụng để trợ giúp y tế, phục hồi chức năng và tư vấn cho các nạn nhân. |
Gia Hân (Theo Dailymail)